Huawei được xem là đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc - Ảnh: Techcrunch. |
Bộ Thương mại Mỹ đã gia hạn giấy phép tạm thời để các công ty Mỹ có thể tiếp tục bán linh kiện và công nghệ cho hãng công nghệ Trung Quốc Huawei. Động thái này diễn ra trước khi giấy phép tạm thời hết hạn vào ngày thứ Hai.
Theo trang CNN Business, tuyên bố trên là một tin tốt cho Huawei và các công ty công nghệ Mỹ có Huawei là một khách hàng quan trọng. Bộ Thương mại Mỹ cũng nói rằng việc gia hạn giấy phép chủ yếu nhằm giúp các nhà mạng không dây ở các khu vực nông thông Mỹ sử dụng thiết bị giá rẻ của Huawei. Tuy nhiên, quan điểm mà Washington đưa ra trong tuyên bố là tiếp tục cô lập Huawei - công ty đại diện cho sức mạnh công nghệ đang lên của Trung Quốc.
"Bộ Thương mại sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ việc xuất khẩu các công nghệ nhạy cảm nhằm đảm bảo rằng các sáng tạo của chúng ta không bị lợi dụng bởi chính những người đe dọa an ninh quốc gia của nước Mỹ", Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói trong một tuyên bố.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng thiết bị mạng của Huawei đặt ra nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ vì có thể có "cửa sau" sử dụng cho mục đích nghe lén của Bắc Kinh. Washington cũng cáo buộc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ. Về phần mình, Huawei hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc như vậy.
Với những cáo buộc như trên, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào "Danh sách Thực thể", một "danh sách đen" thương mại, theo đó cấm các công ty Mỹ hợp tác với Huawei nếu không có sự cho phép của Washington.
Lệnh trừng phạt này của Mỹ khiến Huawei - hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và cũng là nhà sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) lớn thứ nhì thế giới về doanh số - gặp thách thức lớn. Không chỉ có vậy, việc Mỹ tìm cách triệt hạ Huawei còn gây thiệt hại cho các nhà cung cấp Mỹ, vì ước tính, mỗi năm Huawei chi khoảng 14 tỷ USD để mua công nghệ và linh kiện từ các công ty Mỹ.
Sau khi đưa Huawei vào danh sách trên, Bộ Thương mại Mỹ lại cấp giấy phép tạm thời, cho phép các công ty Mỹ được bán một số linh kiện và công nghệ cho Huawei. Giấy phép này đã được gia hạn vào tháng 8, và tiếp tục ra hạn lần thứ Hai như Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố. Giấy phép sẽ hết hạn vào tháng 2/2020 nếu không được gia hạn lần nữa.
Việc Chính phủ Mỹ tiếp tục "nương tay" với Huawei có thể giúp thúc đẩy tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung, trong bối cảnh hai nước đang cố gắng đi đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, thỏa thuận này đang gặp khó vì Mỹ chưa muốn dỡ thuế quan như mong muốn của Trung Quốc và Trung Quốc cũng chưa muốn cam kết cụ thể sẽ mua thêm bao nhiêu hàng hóa nông sản Mỹ.
Huawei hiện đang nỗ lực mạnh mẽ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ và linh kiện Mỹ. Hồi tháng 8, Huawei trình làng hệ điều hành riêng - một kế hoạch dự phòng nhằm thay thế hệ điều hành mã nguồn mở Android của Google. Ngoài ra, Huawei cũng đã chế tạo con chip riêng.
Phản ứng với động thái gia hạn giấy phép tạm thời của Mỹ, Huawei nói rằng việc này không có ảnh hưởng đáng kể gì đến hoạt động của công ty. Huawei cũng lập luận rằng lẽ ra công ty không nên bị đưa vào "Danh sách Thực thể".
"Việc làm này của Mỹ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các công ty Mỹ mà Huawei có hợp tác kinh doanh. Hành động đó gây gián đoạn hợp tác và làm suy giảm niềm tin trong chuỗi cung ứng toàn cầu", một tuyên bố của Huawei viết. "Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Mỹ chấm dứt sự đối xử không công bằng này và đưa Huawei ra khỏi Danh sách Thực thể".