Mỹ đưa thêm một loạt hãng công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm

Sau Huawei, Chính phủ Mỹ đưa thêm 5 thực thể công nghệ Trung Quốc vào “danh sách đen”...
Mỹ đang có những động thái nhằm chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ - Ảnh: AP.
Mỹ đang có những động thái nhằm chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ - Ảnh: AP.

Chính phủ Mỹ ngày 21/6 đưa thêm 5 thực thể công nghệ Trung Quốc vào "danh sách đen", đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này bị cấm mua linh kiện và công nghệ Mỹ, tương tự như lệnh cấm đã áp dụng đối với "gã khổng lồ" Huawei.

Động thái trên của Washington diễn ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một cuộc gặp được coi là sẽ quyết định hướng đi của cuộc chiến thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Trong số 5 thực thể Trung Quốc vừa bị Mỹ đưa vào "danh sách đen", có 4 công ty công nghệ và một viện nghiên cứu. Các doanh nghiệp và viện nghiên cứu này đều tham gia vào nỗ lực của Trung Quốc về phát triển siêu máy tính.

Lệnh cấm mà Mỹ áp lên Huawei hồi tháng trước đã làm dấy lên mối lo rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang dần trở thành một cuộc xung đột kinh tế trên diện rộng, mà ở đó Mỹ tập trung vào việc chặn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Mỹ, song song với việc buộc các công ty Mỹ dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Động thái ngày 21/6 của Bộ Thương mại Mỹ đối với loạt công ty và viện nghiên cứu của Trung Quốc được cho càng làm gia tăng mối lo ngại này ở Bắc Kinh.

Theo dự kiến, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập sẽ diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh khối G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28-29/6.

Trong một động thái khác mang tính xoa dịu, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 21/6 hoãn một bài phát biểu về chính sách của Trung Quốc. Bài phát biểu này được dự báo sẽ là sự tiếp nối của bài phát biểu mang tính chất chỉ trích mạnh Trung Quốc mà ông Pence đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Việc hoãn bài phát biểu là nhằm mục đích tránh leo thang căng thẳng với Bắc Kinh trong bối cảnh hai bên chuẩn bị nối lại đàm phán - một quan chức Nhà Trắng cho hay.

Theo hãng tin Bloomberg, hai động thái "một đấm, một xoa" trên cho thấy những quan điểm trái chiều về Trung Quốc trong chính quyền ông Trump. Một số quan chức Mỹ muốn ông Trump đạt một thỏa thuận với ông Tập để tránh gây trở ngại cho kinh tế Mỹ trước khi bước vào cuộc bầu cử 2020, một số khác lại muốn tấn công Trung Quốc trên nhiều phương diện.

Trong một tuyên bố ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ nói rằng những thực thể mới bị đưa vào "danh sách đen" là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc về phát triển siêu máy tính. Tuyên bố nói những thực thể này đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia Mỹ, vì những máy tính mà các thực thể này đang phát triển sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Trong số các công ty trên có Higon, một đối tác liên doanh của hãng sản xuất con chip Mỹ AMD. Cùng với đó là Sugon, cổ đông chính của Higon; Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology - hai công ty mà Higon có nắm cổ phần.

Thực thể còn lại là Viện Nghiên cứu công nghệ máy tính Wuxi Jiangnan, mà Bộ Thương mại Trung Quốc nói là thuộc sở hữu của Viện Nghiên cứu số 56 trực thuộc quân đội Trung Quốc.

Chuyên đề