Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh:US Navy. |
Mỹ đã điều hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình Tomahawk đến khu vực cách bãi thử hạt nhân của Triều Tiên khoảng 480 km, các máy bay ném bom hạng nặng ở Guam và đội tàu sân bay USS Carl Wilson cũng sẵn sàng tấn công Triều Tiên trong trường hợp khẩn cấp, NBC news hôm nay dẫn nguồn tin từ các quan chức tình báo Mỹ cho biết.
Cuộc tấn công của Mỹ sẽ được thực hiện bằng tên lửa, bom, vũ khí mạng và các chiến dịch đặc biệt trên mặt đất.
Trước đó, giới phân tích tình báo Mỹ và Hàn Quốc nhận định Triều Tiên đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần 6 nhằm kỷ niệm 105 ngày sinh của lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành.
"Hiện không có dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Bình Nhưỡng muốn giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao hay đối thoại với bất kỳ quốc gia nào", chuyên gia về Triều Tiên thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ, Victor Cha nhận định.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận nhận định của NBC về khả năng đánh phủ đầu Triều Tiên và cho rằng không nên suy đoán công khai về các tình huống có thể xảy ra.
"Chúng tôi cam kết bảo vệ đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trước những mối đe dọa tiềm ẩn. Các chỉ huy cấp cao luôn xem xét nhiều phương án để đối phó những tình huống bất ngờ", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối ngày 12/4 tuyên bố vấn đề Triều Tiên "sẽ được xử lý" trong bối cảnh Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị thử hạt nhân hoặc tên lửa.
Cũng hôm 12/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump, trong đó ông Tập cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị một ngày sau đó cảnh báo rằng biện pháp quân sự sẽ không giải quyết được vấn đề, và rằng bất cứ ai kích động tình hình Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Báo chí Trung Quốc cho rằng Triều Tiên cần thận trọng, trong khi các chuyên gia chính trị và quân sự ở Bắc Kinh nhận định Trung Quốc sẽ không có nghĩa vụ bảo vệ Triều Tiên nếu nước này bị đánh phủ đầu.
Trung Quốc là đồng minh lớn nhất và thân thiết nhất của Triều Tiên, tuy nhiên mối quan hệ đôi bên không còn mật thiết kể từ khi ông Kim Jong-un lên làm lãnh đạo. Bắc Kinh từng nhiều lần bày tỏ thái độ không bằng lòng khi Triều Tiên bất chấp các yêu cầu của LHQ để thử tên lửa hoặc hạt nhân.