Muốn phát triển kinh tế xanh và bền vững, cần sự chung tay của tất cả các bên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc hiện thực hóa các định hướng chính sách quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần sự chung tay của tất cả các bên – chính quyền trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhân dân, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị - xã hội.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VGP
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: VGP

Nhận định này được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu ra tại Phiên cấp cao Diễn đàn DN Việt Nam thường niên (VBF) diễn ra ngày 19/3, tại Hà Nội.

Theo đại diện VCCI, Việt Nam đang đặt ra những mục tiêu phát triển rất cao, đó là đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, đến năm 2050 giảm phát thải ròng carbon bằng 0. Rõ ràng, để Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển, cả Chính phủ và cộng đồng DN phải đồng hành, phải cùng chia sẻ tầm nhìn và chiến lược phát triển nhanh, xanh, bền vững.

Để trở thành quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại vào những năm 2050, Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép là phát triển nhanh và xanh, với tăng trưởng GDP duy trì ở mức 6 - 7%/năm, đồng thời phải đưa công nghệ xanh vào phổ cập trong hoạt động kinh tế. Chính mục tiêu và yêu cầu phát triển này tạo ra cơ hội và không gian phát triển mới cho cộng đồng DN, gồm cả DN trong nước và DN nước ngoài, cho các nhà đầu tư quốc tế. Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, và quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cam kết và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường. Cộng đồng DN Việt Nam hoàn toàn ủng hộ, hưởng ứng và đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu và cam kết phát triển quan trọng này.

Tuy vậy, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, để hiện thực hóa được mục tiêu này, cộng đồng DN đứng trước 3 thách thức lớn.

Đơn cử như mức độ hiểu biết, quy định môi trường của DN Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu. Khảo sát DN của VCCI cho thấy, mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song mức độ hiểu biết của DN về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% DN tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường. Bên cạnh đó, có đến 68% DN cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Thứ hai, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện, lý do là bởi khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy, 44% DN trong nước và 38% DN FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của DN còn hạn chế (37%). Đáng chú ý là mặc dù tới 91% DN cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ DN cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn.

Thứ ba, mức độ đầu tư của DN cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 DN áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ảnh: VGP

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI. Ảnh: VGP

Để góp phần hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI đề xuất 6 kiến nghị.

Một là tăng cường sự tham gia của cộng đồng DN trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, tới kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Hai là tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững cho DN thông qua việc các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các DN (đặc biệt là các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ) dễ dàng tiếp cận thông tin.

Ba là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh, các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư, DN đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch, trong đó, chính quyền các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch, chiến lược tăng trưởng xanh triển khai khung chính sách, chiến lược cấp trung ương…

Bốn là theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đang xây dựng và sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023, nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương sử dụng trong hoạch định chính sách về đầu tư và môi trường, trong điều hành, quản lý nhà nước; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các địa phương. Chỉ số Xanh cấp tỉnh sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên đã đạt nhiều thành công qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Năm là tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho DN. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó hiện nay ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho các dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán carbon.

Sáu là tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN. Đại diện cộng đồng DN đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu DN để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với DN thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh. Tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra DN, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.

“Trong bối cảnh thế giới có nhiều yếu tố rất bất ổn, Việt Nam cần đưa ra thông điệp mạnh mẽ về sự cam kết ổn định chính sách trong nước, lấy ổn định chính sách trong nước để bù đắp cho những bất ổn trên thế giới. Đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bứt phá của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên đề