Muốn hùng cường, cần có những đột phá mới

(BĐT) - Việt Nam bước sang năm 2020 với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của năm 2019. Những thành tựu của chặng đường đổi mới, đặc biệt là từ 2016 đến nay, tạo ra nền móng xây đắp cho mục tiêu thịnh vượng. 
Các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân quy mô lớn sẽ là trụ cột cho phát triển, tạo lập thương hiệu quốc gia để cạnh tranh, chiếm lĩnh vị thế trên thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Tiên
Các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân quy mô lớn sẽ là trụ cột cho phát triển, tạo lập thương hiệu quốc gia để cạnh tranh, chiếm lĩnh vị thế trên thị trường quốc tế. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, khi những động lực truyền thống cho tăng trưởng đã gần hết dư địa và không còn là lợi thế lớn, Việt Nam cần dựa vào đâu để bứt phá?

Bứt phá về thể chế

GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, với thu nhập bình quân đầu người được dự báo khoảng trên 3.000 USD vào năm 2021, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển mà các động lực của tăng trưởng chủ yếu dựa trên gia tăng hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực, kết hợp với nâng cao năng lực công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Những thể chế và chính sách ưu tiên trong giai đoạn này cũng khác nhiều so với các thể chế và chính sách đã giúp Việt Nam đạt được nhiều kết quả với động lực chính khi đó là gia tăng huy động nguồn lực - lao động, tài nguyên và vốn.

Theo ông Nguyễn Quang Thuấn, trong giai đoạn mới, Nhà nước cần tạo thể chế chính thức điều chỉnh sự hình thành và phát triển của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp từ việc hoàn thiện các luật có liên quan trực tiếp đến sáng tạo và khởi nghiệp đến các quy định theo phương thức mới như công nhận giá trị bằng tiền của tài sản vô hình trong góp vốn thành lập công ty, bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp…

Nhấn mạnh kỳ vọng bứt phá chỉ đạt được khi có sự thay đổi mạnh mẽ, ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, bứt phá đầu tiên là về thể chế. Trong đó cải cách hành chính là then chốt, tiếp tục cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh. Đi đôi với đó phải chuyển cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước từ chức năng quản lý sang phục vụ: lấy thước đo kết quả hoạt động là mức độ thoả mãn các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp; áp dụng công nghệ số và phương thức quản lý theo kịp đòi hỏi phát triển của nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Bứt phá từ những doanh nghiệp đầu tàu

Theo ông Hoàng Văn Cường, khi Chính phủ thay đổi thì bản thân doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi, cốt lõi nhất là khối doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta đang phấn đấu có nhiều doanh nghiệp ra đời, điều này tốt nhưng mới chỉ tạo nền tảng ổn định, chưa tạo bứt phá. “Muốn bứt phá phải có đầu tàu, đầu tàu này phải đủ lớn để cạnh tranh được với thị trường quốc tế và đó phải là các doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân trong nước. Các tập đoàn mạnh là trụ cột cho phát triển, tạo lập thương hiệu quốc gia trong từng lĩnh vực để cạnh tranh, chiếm lĩnh vị thế trên thị trường quốc tế”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu Quốc hội Hà Nội, một trong những cách thức để hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh là thông qua quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Chủ động vận dụng cơ chế thị trường có định hướng của Nhà nước để chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước (Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối) thành các tập đoàn hoặc một bộ phận của tập đoàn kinh tế tư nhân. Có vậy mới tạo ra được bứt phá, tạo ra đầu tư phát triển trong nước, tạo ra sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh, muốn quốc gia hùng cường phải có doanh nghiệp hùng cường. Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Phạm Trọng Nhân, không chỉ gói gọn một hay hai chính sách cụ thể, mà nó thuộc về giải pháp tổng thể trong đề án cơ cấu lại nền kinh tế, quan trọng nhất phải đặt Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, song hành với Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Từ đó vừa gia cố sức mạnh cho doanh nghiệp Việt, vừa cơ cấu lại đầu tư nước ngoài trên nền tảng nhất quán là nâng cao tính độc lập và tự chủ của nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong những năm gần đây, vị thế và tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện đáng kể; đã xuất hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực lớn như Vingroup, Trường Hải, SunGroup, FLC, Vietjet... tham gia mạnh mẽ vào các lĩnh vực vốn trước đây chủ yếu do khu vực nhà nước và FDI thực hiện như sản xuất ô tô, điện thoại, kinh doanh hàng không, phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ, chế tạo kỹ thuật cao... Chúng ta bước đầu xây dựng được thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp và của quốc gia. Theo xếp hạng của Báo cáo Việt Nam (VNR), năm 2019, trong danh sách 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, có 21 doanh nghiệp tư nhân. Trong đó có 1 doanh nghiệp tư nhân nằm trong danh sách 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Vingroup).

Mặc dù đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực trong 2 năm trở lại đây, nhưng Bộ KH&ĐT cho biết chúng ta hiện mới có chưa đến 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa đạt trên 1 tỷ USD. Số lượng các doanh nghiệp từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn rất thấp. Quá trình tích tụ vốn bằng nguồn nội lực trong các doanh nghiệp tư nhân trong nước diễn ra với tốc độ chậm chạp.

Theo Bộ KH&ĐT, cần có những chính sách phù hợp, tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.

Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia… Đồng thời, chính lực lượng doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp Việt Nam liên kết, tạo khối thống nhất, có chiều sâu, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, kinh doanh, cùng tạo nên sức mạnh, tên tuổi và thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Và theo nhiều ý kiến, chính những doanh nghiệp lớn cũng cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam, phát triển bởi con người Việt Nam, tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Chuyên đề