Mục tiêu tăng trưởng cần thêm các động lực mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn. Để đạt được mục tiêu năm 2023 và kế hoạch 2021 - 2025 đề ra là vô cùng khó khăn, cần tiếp tục có những giải pháp cấp bách, hiệu quả để củng cố các động lực tăng trưởng hiện hữu và kích hoạt động lực mới như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động, chuyển dịch sang tăng trưởng xanh...
Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Ảnh: Lê Tiên
Chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Ảnh: Lê Tiên

Thách thức lớn cả từ bên trong lẫn bên ngoài

Trong tham luận gửi tới Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng còn rất thấp so với điều kiện bình thường và tình trạng này có nguy cơ kéo dài, tạo ra áp lực rất lớn cho các tháng cuối năm 2023, cũng như nửa chặng đường còn lại của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi và khai thác được các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP.HCM, tăng trưởng GDP có thể đạt 5,5 - 6%.

Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt lần lượt khoảng 6% và 6,5%. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thì mức tăng trưởng có thể cao hơn.

Cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 là rất khó, TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam dự báo, kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn là quý III và quý IV năm nay GDP tăng lần lượt là 6,5% và 7,5%, tăng trưởng GDP 2023 sẽ là 5,5%. Ông Thành cho rằng, ngay cả khi phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng khó khăn.

Qua nửa kỳ kế hoạch 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, tăng trưởng kinh tế được cải thiện; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên; kinh tế vĩ mô ổn định; cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Tuy nhiên, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh tác động từ bên ngoài, khó khăn, yếu kém nội tại của nền kinh tế không thể sớm khắc phục trong “một sớm, một chiều”; năng lực sản xuất, tính tự chủ của nền kinh tế, chất lượng thể chế, hạ tầng, dự án lớn mang tính đột phá, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ… chưa đáp ứng yêu cầu để đưa Việt Nam sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình và bắt kịp về trình độ phát triển với khu vực và thế giới, tiếp tục là thách thức lớn nếu không có sự đột phá mạnh mẽ.

Tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2023 cũng như các năm 2024 và 2025. Ảnh: Tiên Giang

Tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2023 cũng như các năm 2024 và 2025. Ảnh: Tiên Giang

Cấp bách thúc đẩy cả động lực tăng trưởng cũ và mới

Đối mặt với những khó khăn hiện tại, nhưng nhiều dự báo tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng tăng trưởng nhanh trong trung hạn, tiến tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Muốn vậy, Việt Nam cần phát huy, cộng hưởng cả những động lực truyền thống và động lực mới.

Theo nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, xuất khẩu có thể tăng trưởng dương trở lại vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu năm 2024 dự báo sẽ vẫn thấp hơn năm 2022 và chỉ có thể dần phục hồi trở lại từ năm 2025 trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi rõ nét hơn. Với dự báo xuất khẩu như vậy, đầu tư ngoài Nhà nước (tư nhân và nước ngoài) cũng như tổng đầu tư toàn xã hội dự báo sẽ cải thiện trong năm 2024, nhưng chưa thể trở lại mức tăng của năm 2022. Do đó, trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024, đầu tư Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhóm nghiên cứu tính toán, nếu giải ngân được 95% tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2%, sẽ đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023. Bên cạnh đó, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2023 cũng như các năm 2024 và 2025. Theo tính toán, tốc độ tăng tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 0,2 điểm %.

Với giả thiết để tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6%, năm 2024, 2025 phải đạt 7%/năm, ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, đòi hỏi tiêu dùng nội địa tăng 7%, xuất khẩu tăng 8,5% (nhập khẩu có thể tăng cao hơn) và đặc biệt là tổng đầu tư tăng 9%. Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ ở mức cao, đầu tư tư nhân có thể phục hồi so với 2022 nếu mặt bằng lãi suất thấp được duy trì, nhưng để tổng đầu tư tăng 9% thì đầu tư công vẫn phải là động lực quan trọng. Tuy nhiên, theo tính toán của ông Thành, với kế hoạch ngân sách nhà nước và đầu tư công trung hạn hiện hữu, quy mô tuyệt đối của chi đầu tư công sẽ giảm vào năm 2024 và 2025.

Vì thế, ông Nguyễn Xuân Thành khuyến nghị, kế hoạch ngân sách cần điều chỉnh theo hướng tăng quy mô đầu tư công trong 2 - 3 năm tới. Quy mô tuyệt đối của đầu tư công năm 2023 là trên 700 nghìn tỷ (30,1 tỷ USD). Nền kinh tế Việt Nam cần 32 - 35 tỷ USD/năm đầu tư công (7,5 - 8% GDP) trong giai đoạn 2024 - 2026. Quan trọng nhất là số vốn đầu tư công điều chỉnh tăng thêm cần được ưu tiên cho các dự án đầu tư hạ tầng theo hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

TS. Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với tình hình hiện tại, Việt Nam có thể sử dụng một số biện pháp chọn lọc hỗ trợ tổng cầu, nhưng cần kết hợp các chính sách cải thiện tổng cung tiềm năng. Các chính sách hỗ trợ này cũng cần phải bảo đảm 3 nguyên tắc: nhanh và kịp thời; chỉ thực hiện tạm thời do nguồn lực hạn chế, tránh tác động phụ và kích thích được sự phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng; đúng đối tượng, hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao và hàng hóa nội địa.

Bên cạnh việc củng cố những động lực tăng trưởng hiện hữu, việc phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới cũng hết sức quan trọng, đặc biệt là các động lực như kinh tế số, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ về kinh tế số, nhóm nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 0,63 - 1,35 điểm % vào mức tăng trưởng GDP hàng năm. Được biết, chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030.

Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra không chỉ cần hóa giải các nguy cơ, thách thức, mà còn phải tích cực, chủ động trước thời cơ mới, tranh thủ mọi cơ hội, dư địa chính sách, nguồn lực để tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… nhằm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm và 10 năm đã đặt ra.

Chuyên đề