Ảnh Internet |
Kể từ khi kiện toàn tổ chức cho tới nay, Trung tâm đã triển khai hoạt động MSTT như thế nào, thưa ông?
Trong năm 2016, Trung tâm đã tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà thầu cho 6 gói thầu thuộc Dự án Mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung năm 2016. Nội dung MSTT chủ yếu là xe ô tô chuyên dùng; thiết bị văn phòng; trang thiết bị y tế (vật tư y tế, máy móc, thiết bị); máy điều hòa nhiệt độ; bàn ghế học sinh; máy chủ, máy trạm, máy tính và màn hình công nghiệp...
Nhìn chung, quá trình tổ chức đấu thầu thông thường với MSTT khá giống nhau về quy trình tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trong lần đầu tiên Hà Nội triển khai, Trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn.
Cái khó khăn thứ nhất mà chúng tôi vấp phải ngay khi bắt tay vào triển khai là khâu tổng hợp nhu cầu đăng ký MSTT. Đầu tiên là phải làm công tác tuyên truyền, đả thông tư tưởng cho các đơn vị trên địa bàn Thành phố. Lúc đầu nhiều đơn vị tự cân đối thu chi có ý kiến phản ứng, bởi lâu nay vẫn tự thực hiện, không muốn làm theo cách làm mới - MSTT. Có đơn vị còn chất vấn lại là tại sao tiền trong túi chúng tôi tự nhiên lại phải đưa về cho Trung tâm để đấu thầu?
Để các đơn vị hiểu được mục đích, ý nghĩa của MSTT, Trung tâm đã phải mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật. Mô hình MSTT khác với mô hình các ban quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư, được giao quản lý vốn, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, giám sát thực hiện... Mô hình MSTT chỉ làm ½ khối lượng công việc. Tức là vốn liếng, ngân sách, ký hợp đồng... vẫn nằm ở các đơn vị, còn Trung tâm chỉ làm mỗi nhiệm vụ là đấu thầu thay. Thay vì mỗi sản phẩm, mỗi đơn vị lại tổ chức một cuộc thầu, bán hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, cộng lại thành vài trăm gói thầu với chi phí tăng lên, thì nay chỉ đấu thầu một lần. Đến nay, các đơn vị nhìn chung đều đã nghiêm túc chấp hành.
Khó khăn thứ hai là khâu tổng hợp, bởi vì mỗi đơn vị có một nhu cầu khác nhau. Qua khảo sát nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, chúng tôi nhận thấy, khi mỗi cơ quan, đơn vị tự tổ chức đấu thầu thì họ đưa ra xây dựng các yêu cầu cấu hình, kích thước, đơn giá... khác nhau. Ví dụ như cùng một mặt hàng máy tính, máy in, cùng chất lượng nhưng lại có sự chênh lệch về giá. Có nơi xây dựng 13 - 14 triệu đồng/máy, nhưng có nơi lại 7 - 8 triệu đồng/máy. Cho nên, trong khâu tổng hợp, chúng tôi phải phân rã chi tiết các chủng loại hàng hóa và nhóm thành từng bước giá. Sau đó, đơn vị thẩm định giá vào cuộc. Trung tâm phải tổ chức nhiều hội nghị để làm việc với từng sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị quận/huyện để tổng hợp lại nhu cầu. Từ đó, chi tiết ra các thông số, cấu hình, các bước giá để quy về một mặt bằng đối với những hàng hóa đồng mức, cùng tiêu chuẩn về kỹ thuật.
Hiện Trung tâm chỉ tổng hợp theo đầu mối của các sở ban ngành, quận/huyện/thị. Những cơ quan này lại phải tổng hợp từ nhiều đơn vị, phòng ban trực thuộc, xã, phường... dẫn đến trường hợp “tam sao thất bản”, cộng cơ học mà không có sự kiểm tra, đối chiếu. Cho nên, khi Trung tâm đối chiếu, tổng hợp lại thì số liệu bị lệch, phải tập hợp lại và mất rất nhiều thời gian.
Khó khăn thứ ba phải kể đến là trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, chúng tôi phải gom hết thành những gói thầu lớn để “to, bổ, rẻ”, nhưng phải đảm bảo không hạn chế nhà thầu tham gia.
Khó khăn thứ tư là nguồn nhân lực. Với khối lượng công việc đồ sộ như vậy, trong khi số người thực làm của Trung tâm chỉ khoảng 6 - 7 người, trừ các vị trí kế toán, bảo vệ... Nguồn nhân lực chủ yếu được điều động, biệt phái từ các phòng ban khác. Đó là chưa kể sắp tới, Trung tâm còn phải chuẩn bị tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích, vệ sinh môi trường trên địa bàn với 30 quận, huyện, thị xã.
Trung tâm có phải đối diện với áp lực nào không và đâu là giải pháp?
MSTT vừa phải đáp ứng yêu cầu để về sau trang cấp thiết bị, vật tư, máy móc cho các đơn vị thụ hưởng, nhưng lại vừa phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Đấu thầu là không được hạn chế nhà thầu.
Về lựa chọn nhà thầu, chúng tôi phải đảm bảo lựa chọn được nhà thầu lớn có năng lực, có khả năng giảm giá khi được cung cấp số lượng lớn. Thế nhưng, nếu đấu thầu không khéo, thì các nhà thầu nhỏ và vừa đồng loạt lên tiếng là hạn chế nhà thầu. Thực tế triển khai những gói thầu vừa qua cho thấy, nhiều nhà thầu đã chọn giải pháp liên danh với nhau để tham dự thầu.
Không dừng lại ở đó, chúng tôi còn phải đối diện với áp lực từ phía những cơ quan, đơn vị thụ hưởng (hơn 4.000 đơn vị). Với sản phẩm mà chúng tôi mua về, liệu 4.000 đơn vị đó có đồng thanh ủng hộ, nhất trí cả hay không? Không chỉ áp lực về chất lượng sản phẩm mà còn áp lực về tiến độ cung cấp sản phẩm, nhất là trong những trường hợp xảy ra tình trạng cấp bách như dịch bệnh...