Màn hình vi tính được HSMT chỉ đích danh là “sử dụng công nghệ ABL (Anti Blue Light)”. Ảnh: Lê Tiên |
Nhà thầu cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) của Gói thầu đưa ra các tiêu chí hạn chế cạnh tranh. Trong khi đó, BMT cho rằng: “Nhà thầu đã gửi văn bản quá chậm nên BMT sẽ không trả lời phúc đáp”.
HSMT có tiêu chí hạn chế cạnh tranh?
Gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Giá gói thầu là 17,094 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng từ ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị. Thời gian phát hành HSMT bắt đầu từ 07 giờ 00 ngày 08/06/2018 đến 08 giờ 00 ngày 28/06/2018.
Nhà thầu phản ánh, HSMT của Gói thầu đã đưa ra một số tiêu chí chưa hợp lý, thậm chí một số nội dung có thể vi phạm Luật Đấu thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu, hay nói cách khác là đưa ra những yêu cầu chỉ có một nhà thầu đáp ứng được.
Cụ thể, tại Mục 1.4 về Máy tính để bàn, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có “giấy phép bán hàng của nhà sản xuất/thư ủy quyền của nhà sản xuất (yêu cầu bản gốc có dấu của nhà sản xuất). Cũng tại mục này, HSMT còn yêu cầu máy tính phải có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn hoặc bằng 30%. Đặc biệt, màn hình vi tính được HSMT chỉ đích danh là “sử dụng công nghệ ABL (Anti Blue Light)”.
Tương tự, đối với máy chiếu và máy chiếu vật thể, Mục 1.5, 1.7, 1.8 của HSMT yêu cầu nhà thầu phải có “bản gốc giấy phép (hoặc thư ủy quyền) bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối được ủy quyền của hãng sản xuất cho phép tham dự thầu”; “tài liệu kỹ thuật có đóng dấu xác nhận của nhà sản xuất (bản vẽ kỹ thuật)”; “Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015”...
Nhà thầu khẳng định, những hàng hóa nêu trên là hàng hóa thông thường, không phải là loại hàng hóa đặc biệt. Theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP (Khoản 2 Điều 12), HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT (Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6) cũng quy định rằng, hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất, thì không được yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Hơn nữa, Nhà thầu cho rằng, tiêu chí phải có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn hoặc bằng 30% chỉ là tiêu chí để nhà thầu được hưởng ưu đãi trong đấu thầu chứ không dùng để đánh giá đạt/không đạt. Tại sao chỉ định đích danh công nghệ ABL mà không phải công nghệ khác tương đương hoặc tốt hơn? Phải chăng, BMT có ý định chỉ định cho một đơn vị dự thầu nào đó hay không?”, Nhà thầu đặt vấn đề.
“Sửa HSMT hay không, phải chờ xin ý kiến cấp trên”
Nhà thầu cũng bày tỏ bức xúc về thái độ phớt lờ, không cầu thị của BMT. Theo đó, ngay khi phát hiện HSMT có vấn đề, Nhà thầu đã liên hệ với ông Lê Vĩnh Đức – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Nam và ngày 22/6/2018 Nhà thầu đã gửi qua email bản scan công văn về việc đề nghị BMT giải thích, làm rõ, sửa đổi một số nội dung không phù hợp của HSMT. Ông Đức cũng xác nhận đã nhận được email do Nhà thầu gửi và hứa sẽ cho cán bộ chuyên môn xử lý. Sau đó, ngày 26/6/2018, Nhà thầu đã trực tiếp mang công văn tới BMT. Chiều cùng ngày, BMT phản hồi: “Do nhà thầu gửi văn bản quá chậm nên BMT sẽ không trả lời phúc đáp”.
Bà Nguyễn Thị Duyên, một cán bộ phụ trách tổ chức đấu thầu thừa nhận: “Đúng là có nhận được Đơn kiến nghị của nhà thầu. Do thời điểm nộp đơn chỉ cách thời điểm đóng thầu 2 ngày, thời gian rất gấp, nên BMT trả lời như vậy”.
Bà Duyên cho biết, BMT vừa thông báo hủy thầu gói thầu nêu trên vì không có nhà thầu nào có hồ sơ đề xuất kỹ thuật đạt yêu cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được thời gian tổ chức đấu thầu lại. Còn việc có tiếp thu kiến nghị của nhà thầu để sửa HSMT hay không thì phải chờ xin ý kiến cấp trên.