'Mua sắm bù' khó cứu kinh tế Trung Quốc

Dù đã được gỡ bỏ phong tỏa, nhiều người vẫn thắt chi tiêu vì lo kinh tế suy thoái, triển vọng việc làm ảm đạm và mức nợ cao.
Người dân đeo khẩu trang đi qua một trung tâm thương mại ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg
Người dân đeo khẩu trang đi qua một trung tâm thương mại ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

"Mua sắm bù" là cụm từ mà truyền thông xã hội Trung Quốc đề cập thường xuyên gần đây, ám chỉ người dân sẽ ồ ạt chi tiêu sau khi nước này tái khởi động nền kinh tế và dỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Đây cũng được xem là một ý tưởng có thể giúp khôi phục nhanh chóng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau đại dịch.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc vẫn đang tiến gần năm tăng trưởng âm đầu tiên kể từ 1976, người tiêu dùng trung lưu thành thị vẫn thắt lưng buộc bụng vì lo suy thoái kinh tế, triển vọng việc làm ảm đạm và mức nợ cao.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc, với khoảng 400 triệu người theo ước tính của Bắc Kinh, từ lâu có quan niệm rằng cuộc sống sẽ luôn tốt hơn và thu nhập trong tương lai sẽ luôn đủ để trang trải các khoản nợ đang tăng. Nhưng sau đại dịch, sự lạc quan của họ về khả năng hưởng lợi sau nhiều thập kỷ kinh tế bùng nổ đã có phần lung lay.

Jane Zeng là một ví dụ. Vợ chồng cô đều đang ở độ tuổi 40 và sở hữu ba căn hộ ở Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ cao của Trung Quốc. Nhưng gia đình cô đang phải trả 60.000 nhân dân tệ (8.500 USD) cho các khoản vay trả góp hàng tháng. Gánh nặng ngày càng lớn khi thu nhập của gia đình giảm xuống.

Họ mua căn hộ thứ ba năm 2017, bằng một khoản vay sử dụng căn hộ thứ hai để thế chấp, đồng thời đầu tư vào một quán ăn vặt trong một trung tâm mua sắm. Việc kinh doanh vẫn có lãi cho đến khi Covid-19 tấn công. Giờ đây, vì nó mà họ gánh thêm chi phí 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD) mỗi tháng. 

Gánh nặng tài chính của họ có thể kiểm soát được khi kiếm hơn 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD) mỗi tháng từ lương, lợi nhuận từ quán ăn vặt và tiền cho thuê từ một trong những căn hộ. Nhưng lối sống của gia đình Zeng, bao gồm việc gửi đứa con duy nhất học trường tư, đang gặp nguy hiểm khi cô mất việc trước cả khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập của chồng giảm xuống và quán ăn vặt bắt đầu thua lỗ.

"Gia đình tôi sắp cạn tiền, chúng tôi đã đầu tư quá nhiều nhưng không tiết kiệm đủ cho một kịch bản bất ngờ như vậy", Zeng cho biết, "Mua sắm bù sau đại dịch? Tôi thậm chí còn chưa nghĩ về nó", cô nói. Zeng trước đây là quản lý hành chính tại một công ty tư nhân và đang tìm kiếm công việc mới.

Gia đình Zeng đang cố gắng bán 2 căn hộ của họ, nhưng có rất ít người mua dù giá thị trường của căn hộ thứ ba đã lên 70.000 nhân dân tệ (9.900 USD) mỗi m2 trước khi dịch bệnh bùng phát. Giá này cao hơn so với chưa đầy 60.000 nhân dân tệ mà họ mua.

Cả hai đang cân nhắc vay bắc cầu, vay tiền từ một cá nhân để trả khoản nợ thế chấp cũ, từ đó đủ điều kiện đăng ký vay một khoản mới tại ngân hàng. "Nó là cách khả dĩ nhất để vượt qua nửa cuối năm nay", Zeng nói. Nhiều bạn bè và người thân của cô đang phải đối mặt với những vấn đề tương tự.

Các hộ gia đình như Zeng, luôn là trọng tâm trong kế hoạch của Bắc Kinh, nhằm chuyển mô hình kinh tế tăng trưởng từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa. Do sức mạnh chi tiêu của người dân dường như là vô tận. Năm ngoái, tiêu dùng đóng góp khoảng 60% tăng trưởng GDP Trung Quốc.

Tuy nhiên, Covid-19 đang ăn mòn thu nhập và xóa sạch tài sản của các hộ gia đình. Hàng chục triệu người đã tạm thời mất việc và hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ đã ngừng hoạt động. 

Một cuộc khảo sát của Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam tháng trước cho thấy 60,9% trong số hơn 3.100 hộ gia đình được hỏi nói rằng thu nhập của họ trong năm 2020 sẽ giảm so với năm ngoái. 25,9% cho biết thu nhập sẽ giảm đáng kể và 41,6% có kế hoạch giảm chi tiêu trong năm nay.

Cuộc khảo sát khác thực hiện bởi Morgan Stanley vào tuần trước cho thấy ý định đi du lịch hoặc giao tiếp xã hội của người Trung Quốc vẫn còn khá thấp. Cụ thể, chỉ 25% trong số 2.000 người được hỏi dự kiến mua sắm đồ không thiết yếu hoặc giao tiếp xã hội trong tuần tới. Khảo sát nêu thêm rằng người dân có ý định tăng chi tiêu cho hàng tạp hóa và quần áo, nhưng cắt giảm hàng xa xỉ và hàng điện tử tiêu dùng.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc - một chỉ số chính của tăng trưởng tiêu dùng, đã giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019 do ảnh hưởng của đại dịch. Dữ liệu bán lẻ cho tháng ba sẽ được công bố vào ngày mai (17/4). 

Đến nay, Trung Quốc vẫn hạn chế không dùng các biện pháp như giảm thuế trên diện rộng hoặc phát tiền trực tiếp để giúp các hộ gia đình thanh toán hóa đơn. Thay vào đó, Bắc Kinh chủ yếu dựa vào cách kích thích cũ. Đó là đổ tiền vào chính quyền địa phương để tăng chi cho cơ sở hạ tầng và bơm tín dụng vào hệ thống ngân hàng nhà nước để thúc đẩy cho vay.

Một số chính quyền địa phương thì phát thêm voucher (phiếu mua hàng) cho người dân để kích thích tiêu dùng địa phương. Nhưng biện pháp này không đáng kể bởi tổng giá trị khá nhỏ và voucher chỉ được mua sắm một số sản phẩm nhất định.

Điều này khiến các doanh nghiệp phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc - từ các cửa hàng bên đường đến các nhà môi giới du thuyền - đều gặp khó khăn. "Số lượng du thuyền đã qua sử dụng trên thị trường hiện nhiều hơn 30% so với năm ngoái", Margaret Liang - một nhà môi giới du thuyền ở thành phố Tam Á (Hải Nam), cho biết.

Thậm chí, có chiếc trị giá 20 triệu nhân dân tệ (2,8 triệu USD) năm 2015 hiện được bán với giá chỉ 9 triệu nhưng vẫn không có người mua. Liang tin rằng các loại du thuyền nhỏ với giá khoảng 2 triệu nhân dân tệ (tương đương 284.000 USD) sẽ được chuộng hơn trong tương lai.

Không chỉ những người có khả năng mua du thuyền bị ảnh hưởng đến túi tiền vì đại dịch. Những người thu nhập trung bình như Liu Lan, quản lý một trung tâm dịch vụ cho thuê văn phòng tại Quảng Châu, cũng cảm nhận được tác động.

"Tôi nghĩ đây là tình cảnh phổ biến mà chúng tôi phải đối mặt trong năm nay, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ", Liu dự đoán thu nhập năm nay sẽ giảm lớn và tiền thưởng cũng bị đóng băng. "Một số người thuê văn phòng lâu năm của chúng tôi không còn khả năng trả tiền và đã biến mất", Liu nói.

Chuyên đề