Một năm bứt phá

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tính tới ngày 20/11/2020, việc thực hiện đấu thầu qua mạng (ĐTQM) năm 2020 đã vượt xa các chỉ tiêu được đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (NQ01) ngày 1/1/2020 của Chính phủ. So với năm 2019, ĐTQM của cả nước trong năm 2020 đã có nhiều thành tích vượt trội đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến sự quyết tâm của người đứng đầu, cấp có thẩm quyền.

Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những đơn vị có kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trong 2 năm 2019, 2020 đều vượt chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên
Đài Truyền hình Việt Nam là một trong những đơn vị có kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng trong 2 năm 2019, 2020 đều vượt chỉ tiêu nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: Lê Tiên

Vượt xa mọi chỉ tiêu

Năm 2019, khi tổng kết thực hiện ĐTQM, các chủ đầu tư, bên mời thầu trên toàn quốc chỉ thực hiện ĐTQM với tỷ lệ số lượng gói thầu là 34,2%; tỷ lệ giá trị gói thầu là 20,8% (không đạt 1 chỉ tiêu - tỷ lệ số lượng gói thầu - so với yêu cầu tại NQ01 năm 2019 của Chính phủ).

Riêng về chỉ tiêu số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM trong năm 2019, chỉ có 4/37 bộ, ngành; 5/63 địa phương; 2/19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty đạt và vượt chỉ tiêu. Đối với chỉ tiêu giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM, có 14/37 bộ, ngành; 35/63 địa phương; 3/19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty đạt và vượt chỉ tiêu.

Tuy nhiên, sang năm 2020, con số thực hiện đã vượt trội hơn nhiều so với năm 2019. Sơ bộ tính tới ngày 20/11/2020, về chỉ tiêu số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM, có 37/37 bộ, ngành; 63/63 địa phương; 26/26 tập đoàn kinh tế, tổng công ty đạt, vượt và thậm chí vượt xa chỉ tiêu. Đối với chỉ tiêu giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM, có 33/37 bộ, ngành; 58/63 địa phương; 21/26 tập đoàn kinh tế, tổng công ty đạt, vượt chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, một số bộ, ngành duy trì tốt các chỉ tiêu ĐTQM trong 2 năm. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính là các đơn vị có tỷ lệ số lượng gói thầu thực hiện ĐTQM và tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện ĐTQM qua 2 năm đều vượt chỉ tiêu, thậm chí vượt xa chỉ tiêu trong năm 2020.

Về phía địa phương, một số địa phương vẫn duy trì tốt việc thực hiện ĐTQM như: UBND tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ gói thầu thực hiện ĐTQM qua 2 năm (2019 - 2020) đạt lần lượt là 65,3% - 88,1%; UBND tỉnh Thanh Hóa là 64,6% - 95,5%; UBND TP. Đà Nẵng là 62,1% - 75%.

Năm 2020 cũng ghi nhận sự bứt phá của một số bộ, ngành, địa phương như tỉnh Bình Phước đạt tỷ lệ gói thầu thực hiện ĐTQM là 95,7% và tỷ lệ giá trị gói thầu đạt 86%; tỉnh Cà Mau có tỷ lệ gói thầu là 91,9% và tỷ lệ giá trị gói thầu là 79,3%... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tỷ lệ gói thầu thực hiện ĐTQM là 93,2% và tỷ lệ giá trị gói thầu là 57,9%; Bộ Quốc phòng có tỷ lệ gói thầu là 77,6% và tỷ lệ giá trị gói thầu là 31,3%...

Người đứng đầu vào cuộc

Có thể nói, kết quả thực hiện ĐTQM năm 2020 có sự vượt trội so với năm 2019. Từ việc chỉ có rất ít bộ, ngành, địa phương đạt được cả 2 chỉ tiêu (số lượng gói thầu và giá trị gói thầu) trong năm 2019 thì sang năm 2020 khả năng 100% bộ, ngành, địa phương đạt được chỉ tiêu về số lượng gói thầu và còn rất ít bộ, ngành, địa phương có thể không đạt về giá trị gói thầu.

Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, ĐTQM đi đúng lộ trình, đạt được kết quả tốt là nhờ sự vào cuộc, phối hợp của các cấp, các ngành và sự hưởng ứng của các địa phương, doanh nghiệp. Cùng với đó là sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu, của chủ đầu tư và bên mời thầu.

Ngay khi NQ01 được ban hành ngày 1/1/2020, hàng loạt các bộ, ngành, địa phương đều có văn bản tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng ĐTQM.

Năm 2021, tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc các gói thầu có tính đặc thù.

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm 2021 phải đảm bảo tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh.

Đơn cử, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 1525/UBND-XD về việc tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng ĐTQM đáp ứng tiêu chí tại NQ01 ngày 1/1/2020 của Chính phủ và Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT ngày 16/12/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Do đó, Thừa Thiên Huế đang có tỷ lệ gói thầu thực hiện ĐTQM ở mức tốt (88,7%); tỷ lệ về tổng giá trị gói thầu là 43,1%.

UBND thành phố Hà Nội cũng ban hành Công văn số 2466/UBND-KH&ĐT, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng ĐTQM năm 2020. Sự quyết tâm của người đứng đầu TP. Hà Nội được văn bản nêu rõ, căn cứ kết quả tổng kết việc thực hiện lộ trình ĐTQM hàng năm theo kế hoạch, UBND Thành phố sẽ đánh giá về việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và có hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị.

Tại Hội nghị về ĐTQM được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào tháng 10/2020, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều đánh giá cao Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và cho biết, đã thực hiện thí điểm áp dụng ĐTQM cho các gói thầu đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB).

Một cán bộ của WB còn cho biết, từ năm 2017, WB đã yêu cầu áp dụng ĐTQM gần như bắt buộc đối với các gói thầu có sử dụng nguồn vốn của WB. Đến nay, 90% số gói thầu sử dụng nguồn vốn của WB đều ĐTQM. Tới đây, WB và ADB phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất thực hiện ĐTQM cho tất cả các gói thầu sử dụng vốn ODA.

Chuyên đề