"Một cổ ba tròng", doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị in kêu khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện có tới 3 cơ quan quản lý nhà nước cùng tham gia quản lý việc nhập khẩu thiết bị in (Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan lãnh sự) được xem là đang gây nên tình trạng chồng chéo, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực in, cũng như gây khó khăn và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (DN). Do vậy, một trong những nội dung được nhiều DN kiến nghị xóa bỏ là thủ tục cấp giấy phép/đăng ký nhập khẩu thiết bị in.
Ảnh Lan Phương
Ảnh Lan Phương

Để khắc phục bất cập của tình trạng "một cổ ba tròng" cho DN, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in và Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/2/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in (gọi tắt là Dự thảo Nghị định sửa đổi).

Trên cơ sở ý kiến của hiệp hội về Dự thảo Nghị định sửa đổi này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc và xem xét xóa bỏ một số quy định không thực sự cần thiết, không phù hợp với thực tế, và đang tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN.

Để khắc phục bất cập về thủ tục đăng ký nhập khẩu thiết bị in, theo Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Thông tin và Truyền thông, đề xuất nên “tập trung toàn bộ thiết bị in (bao gồm thiết bị là máy chế bản, máy in, máy gia công sau in) về một đầu mối cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động in, đồng thời thay đổi phương thức từ cấp phép nhập khẩu thiết bị in sang đăng ký nhập khẩu thiết bị in và thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, mức độ 4”.

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, việc xin giấy phép nhập khẩu thiết bị in đang tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN. Do đó, Cơ quan soạn thảo cần phải đánh giá một cách toàn diện về tính cần thiết của cơ chế quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in.

Theo quy định tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Nghị định 25/2018/NĐ-CP, DN nào cũng có thể được nhập khẩu thiết bị in, trong hồ sơ xin cấp phép nhập khẩu chỉ bao gồm hai tài liệu: đơn, catalouge của từng thiết bị in. Như vậy, quy định này không thể hiện rõ mục tiêu quản lý nhà nước trong việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in. Nếu chỉ để biết thông tin về DN nhập khẩu, số lượng hàng nhập khẩu, loại hàng nhập khẩu, thì cơ quan quản lý về hoạt động in có thể có được các thông tin này từ cơ quan hải quan. Do đó, các DN cho rằng, việc cấp phép nhập khẩu cho thiết bị in là không cần thiết, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN, cho nên cần xóa bỏ hoàn toàn thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị in.

Đối với đề xuất của Cơ quan soạn thảo về việc chuyển đổi cơ chế cấp giấy phép nhập khẩu sang đăng ký nhập khẩu thiết bị in, theo VCCI, đây là giải pháp được lựa chọn trong Báo cáo đánh giá tác động để nhằm mục tiêu “khắc phục sự chồng chéo, vướng mắc do nhiều cơ quan cùng tham gia thực hiện việc quản lý nhập khẩu thiết bị in”. Tuy nhiên, cách thức thiết kế quy định trong Dự thảo Nghị định sửa đổi dường như chưa đạt được mục tiêu này.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về các loại thiết bị in phải thực hiện đăng ký nhập khẩu, trình tự, thủ tục đăng ký nhập khẩu, trong khi không có quy định nào liên hệ với quy định tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Như vậy, với quy định tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, để nhập thiết bị in đã qua sử dụng, DN vẫn phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước (đăng ký nhập khẩu theo quy định của Nghị định về quản lý hoạt động in; kiểm soát về tiêu chuẩn, thực hiện giám định theo quy định của Quyết định 18/2019/QĐ-TTg). Do đó, quy định này cơ bản chưa giải quyết được vấn đề bất cập được nêu trong Báo cáo đánh giá tác động.

Mặc dù thay đổi từ cấp phép nhập khẩu sang đăng ký nhập khẩu nhưng trình tự, thủ tục DN vẫn phải xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đã đăng ký nhập khẩu. Hồ sơ giấy tờ, trình tự thủ tục thực hiện bằng hồ sơ giấy không thay đổi so với thủ tục cấp giấy phép hiện hành. Do đó, bản chất của thủ tục này vẫn là hoạt động cấp phép, vì vậy tính cải cách về thủ tục hành chính vẫn chưa thể hiện rõ.

Về quản lý đối với thiết bị sau in, Nghị định 25/2018/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu “máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in”; “máy dao cắt (xén) giấy, máy gấp sách (gấp giấy), máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in” phải thực hiện xin giấy phép nhập khẩu - tức là các loại hàng hóa này khi nhập khẩu được xem như loại hàng hóa thông thường, không phải cấp giấy phép. Tại thời điểm xây dựng Nghị định 25/2018/NĐ-CP việc bỏ quy định phải cấp phép nhập khẩu cho các thiết bị sau in được đánh giá là một thay đổi có tính cải cách, tiến bộ, thể hiện tinh thần cầu thị của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc lắng nghe vướng mắc từ DN. Thế nhưng, Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này lại đang quay trở về với quy định cũ là các loại thiết bị này phải đăng ký nhập khẩu.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị Cơ quan soạn thảo cần cân nhắc phương án bỏ hoàn toàn giấy phép nhập khẩu/đăng ký nhập khẩu đối với thiết bị in.

Trong trường hợp có lý do thuyết phục để áp dụng cơ chế quản lý chuyên ngành đối với thiết bị in, đề nghị Cơ quan soạn thảo xây dựng thủ tục đăng ký nhập khẩu theo hướng cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ ghi nhận thông tin về đăng ký xuất khẩu, mà không phải là thủ tục có tính chất cấp phép như tại Dự thảo Nghị định sửa đổi (tức là DN không cần chờ xác nhận đăng ký từ cơ quan có thẩm quyền đã được quyền nhập khẩu thiết bị in). Đồng thời, giữ nguyên quy định tiến bộ của Nghị định 25/2018/NĐ-CP về quản lý các thiết bị sau in, tức là bỏ các thiết bị “máy chế bản ghi phim, ghi kẽm, tạo khuôn in”; “máy dao cắt (xén) giấy, máy gấp sách (gấp giấy), máy đóng sách (đóng thép hoặc khâu chỉ), máy vào bìa, máy kỵ mã liên hợp, dây chuyền liên hợp hoàn thiện sản phẩm in” ra khỏi thủ tục phải đăng ký nhập khẩu.

Chuyên đề