Ảnh Internet |
“Lạm phát hoàn toàn có thể đã đạt đến đỉnh điểm nếu dựa vào dữ liệu. Quan trọng hơn, chúng tôi nghĩ rằng, rủi ro lạm phát sẽ giảm trong tương lai. Lạm phát trung bình ở châu Á đạt đỉnh 5,5% và đã giảm khoảng 0,5% so với mức đỉnh đó. Trong khi con số lạm phát đạt đỉnh ở Mỹ là 9% và ở châu Âu vào khoảng 8,5 - 9%”, ông Chetan Ahya nhận xét.
Theo ông Chetan Ahya, có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu quá nóng ở châu Á, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn dưới mức trước đại dịch Covid-19 đối với hầu hết các quốc gia.
“Cách tôi mô tả tình trạng phục hồi ở châu Á là hầu hết các nền kinh tế đang ở giai đoạn giữa chu kỳ. Tôi nghĩ đó là lý do quan trọng nhất tại sao chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ được kiểm soát và các ngân hàng trung ương sẽ không phải đưa lãi suất cơ bản vào phạm vi hạn chế sâu hơn”, ông Chetan Ahya cho biết.
Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput cho biết không cần phải "thực hiện các đợt tăng lãi suất một cách mạnh mẽ" bởi nền kinh tế nước này dự kiến sẽ trở lại mức trước Covid-19 vào cuối năm nay.
Nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley cũng cho biết, nhu cầu hàng hóa là tác nhân chính gây ra lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Á.
“Nhu cầu hàng hóa đã tăng mạnh do đại dịch ở Mỹ và gây ra sự mất cân bằng cung cầu. Nhưng giờ đây, tất cả đã được chữa lành”, ông Chetan Ahya cho biết.
Với việc cải thiện chuỗi cung ứng và hàng tồn kho tăng, Morgan Stanley kỳ vọng nhu cầu hàng hóa sẽ giảm trong những tháng tới. Ngoài ra, không giống như ở Mỹ, thị trường lao động của châu Á không chặt chẽ - điều này đã giúp khu vực kiềm chế áp lực lạm phát.
Trong khi bức tranh lạm phát có vẻ tương đối trong tầm kiểm soát, Morgan Stanley cho biết, triển vọng xuất khẩu của châu Á vẫn còn yếu.