Mong ngóng cơ chế đấu thầu phát triển năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện tái tạo được đánh giá là cơ chế mang lại nhiều lợi ích, là xu hướng tất yếu của thị trường góp phần tăng tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, gần 2 năm sau khi cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) kết thúc với điện mặt trời và gần 1 năm với điện gió, cơ chế đấu thầu dự kiến thay thế vẫn chưa được ban hành khiến nhà đầu tư sốt ruột.
Đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo là xu thế chung của thế giới. Ảnh: Nhã Chi
Đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo là xu thế chung của thế giới. Ảnh: Nhã Chi

Đề xuất cơ chế đấu thầu thay cơ chế giá FIT

Mới đây, Bộ Công Thương đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời.

Đối tượng tham gia đấu thầu là các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian theo quy định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg.

Về xây dựng khung giá phục vụ cho việc đấu thầu, Bộ Công Thương đề xuất, phương pháp xây dựng khung giá tương tự phương pháp quy định tại Thông tư 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện có điều chỉnh cho phù hợp với đối tượng áp dụng là các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Đơn vị tổ chức đấu thầu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Việc tổ chức đấu thầu căn cứ quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.

Về sự cần thiết xây dựng cơ chế mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời thay thế cơ chế cũ, theo Bộ Công Thương, do FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư, ở đây là điện gió, điện mặt trời. Trong bối cảnh giá năng lượng tái tạo (NLTT) trên thế giới có xu hướng giảm và quy mô phát triển NLTT trở nên cạnh tranh hơn, việc xem xét chuyển dịch sang chính sách cạnh tranh, tiệm cận thị trường là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng phát triển trên thế giới.

Hơn nữa, việc giữ nguyên cơ chế ưu đãi tại các quyết định nêu trên sẽ có một số hạn chế. Đó là thời hạn hợp đồng mua bán điện 20 năm là không phù hợp do hiện nay chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời có xu hướng giảm so với thời điểm ban hành cơ chế giá FIT, hiệu suất công nghệ cải thiện. Giá điện được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD cũng không phù hợp theo quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối 2013, các thông tư quy định hạn chế sử dụng ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước…

Nhằm nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh trong phát triển dự án điện tái tạo, tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển dự án lĩnh vực này.

Đảm bảo cơ hội công bằng cho các nhà đầu tư

Mong chờ cơ chế chính sách nối tiếp để phát triển các dự án điện tái tạo khi cơ chế giá FIT đã hết hiệu lực khá lâu, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, đấu thầu phát triển các dự án NLTT, trong đó có điện gió, là hình thức rất minh bạch, đảm bảo cơ hội công bằng cho tất cả các nhà đầu tư. Đây cũng là xu thế chung của thế giới.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công ty CP Đầu tư Hacom Holding nhấn mạnh: “Cơ chế đấu thầu phát triển NLTT là cơ chế cần thiết bởi sẽ giúp lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án một cách minh bạch, cạnh tranh. Qua đó, nhà đầu tư được lựa chọn phải có năng lực thực sự không chỉ về tài chính mà còn cả năng lực, kinh nghiệm”.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, cơ chế giá FIT với giá mua điện 8,38 - 9,35 cent/kWh vừa qua đã thu hút lượng lớn nhà đầu tư vào lĩnh vực NLTT. Đến cuối năm 2021, công suất điện mặt trời, điện gió đạt gần 21.000 MW, chiếm khoảng 27% tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống. “Theo đó, việc thực hiện cơ chế đấu thầu sẽ góp phần lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, tránh phát triển ồ ạt như thời gian qua”, ông Ngãi bày tỏ.

Nhìn từ thực tế, nhiều chuyên gia năng lượng cũng như nhà đầu tư lĩnh vực này cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng ngay cơ chế đấu thầu phát triển dự án điện tái tạo, không cần gia hạn cơ chế giá FIT như một số nhà đầu tư đề xuất vừa qua. Lý do là hiện đã có hệ thống pháp luật về đấu thầu, đầu tư rất minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Chuyên đề