Mổ xẻ nhiều “điểm nghẽn” của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn thách thức, đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng các đại biểu Quốc hội nêu rõ quan ngại về tình trạng năng suất lao động chậm được cải thiện và những trở ngại trong tiếp cận vốn, áp lực thuế của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn do điều kiện vay khó, thủ tục phức tạp. Ảnh: Tuấn Anh
Nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn do điều kiện vay khó, thủ tục phức tạp. Ảnh: Tuấn Anh

Tại báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ ước cả năm 2023 có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Phát biểu tại nghị trường ngày 31/10, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, trong 5 chỉ tiêu của năm 2023 dự kiến không đạt kế hoạch, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt. Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung các nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này.

Về giải pháp trong thời gian tới, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó, đề xuất 12 nhóm giải pháp và nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị phải rà soát kỹ để bảo đảm tính liên thông, kết nối và tương hỗ trong các báo cáo, nhất là về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các giải pháp và nhiệm vụ. Trên cơ sở rà soát, đề nghị Chính phủ xác định những giải pháp nào là trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá để tập trung thực hiện, không dàn trải và bảo đảm tính khả thi cao.

Trong đó, cần chú trọng tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa theo hướng tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, trong kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu tổng rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, năng suất lao động phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế, cải thiện năng suất lao động là vấn đề cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bắt kịp sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới. Do đó, ông Phương đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sát tình hình và đề ra giải pháp cụ thể cho vấn đề này.

Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu lên thực tế, các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành, nhưng biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn, áp lực về thuế đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về tiếp cận vốn, ông Phước cho biết, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay trung và dài hạn do điều kiện vay khó, thủ tục phức tạp. Doanh nghiệp gặp khó khăn nên tồn kho lớn nhưng ngân hàng không chấp nhận hàng tồn kho là tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, chính sách thuế chưa thực sự đồng hành khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Chẳng hạn, một doanh nghiệp ở Quảng Nam có sân golf diện tích 60 ha với doanh thu 100 tỷ đồng nhưng đóng thuế đến 45 tỷ đồng.

Đại biểu Dương Văn Phước mong muốn, trong thời gian tới, Nhà nước tiếp tục quan tâm đến khó khăn và có những chính sách kịp thời, thiết thực hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thiết kế gói tín dụng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, trước mắt là cần tập trung khơi thông các nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thuế, lắng nghe, chia sẻ các giải pháp giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề về thuế; nghiên cứu các chính sách thuế phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, cần chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu, xem xét điều kiện từng doanh nghiệp để có chính sách giảm thuế phù hợp.

Từ góc độ khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lưu ý về chỉ số tăng trưởng tín dụng. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chưa làm rõ số tăng trưởng tín dụng của từng lĩnh vực, trường hợp tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ bởi có thể gia tăng rủi ro nợ xấu khi thị trường đang thừa nguồn cung và người dân giảm niềm tin vào thị trường bất động sản.

Chuyên đề