Mở rộng không gian sáng tạo, đưa Việt Nam vươn tới hùng cường

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 28/10 - 1/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ chủ trì tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE2023) kết hợp khánh thành cơ sở mới Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc (NIC Hòa Lạc). Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chọn khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) làm động lực cho kinh tế tiến nhanh, tiến cùng và vượt lên, vươn tới hùng cường.
NIC Hòa Lạc tạo môi trường lý tưởng cho các startup sáng tạo, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quốc tế, được thử nghiệm các ý tưởng, sản phẩm mới. Ảnh: Hữu Hưng
NIC Hòa Lạc tạo môi trường lý tưởng cho các startup sáng tạo, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quốc tế, được thử nghiệm các ý tưởng, sản phẩm mới. Ảnh: Hữu Hưng

Khơi lên các động lực tăng trưởng mới

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy ĐMST, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) cho thấy, việc tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là “cơ hội ngàn năm” để kinh tế Việt Nam tiến nhanh, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực. “Do đó chúng ta phải nắm bắt cơ hội và hiện thực hóa cơ hội. Thời điểm đó, chúng tôi nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước đi trước thấy rằng, đây là thời cơ cho Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Chiến lược 10 năm, Bộ KH&ĐT đã đề xuất những động lực tăng trưởng mới bên cạnh 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Theo đó, khoa học công nghệ, ĐMST và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã được đưa vào các đột phá Chiến lược. Điểm mới này thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Để cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thúc đẩy động lực khoa học công nghệ và ĐMST cho tăng trưởng kinh tế, trong vai trò là cơ quan tham mưu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới trong các dự án sửa đổi Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Đấu thầu..., trong đó có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT đã đề xuất xây dựng NIC cơ sở Hòa Lạc quy mô hiện đại và trang thiết bị tiên tiến, với các không gian làm việc, nghiên cứu và phát triển kết nối, nhằm tạo ra những điều kiện lý tưởng về môi trường, thể chế pháp lý, điều kiện hạ tầng… NIC Hòa Lạc tạo điều kiện thuận lợi nhất, thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam phát triển và vươn mình ra thế giới.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn tham gia VIIE2023

Triển lãm đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra với 8 lĩnh vực chính: nhà máy thông minh, thành phố thông minh, nội dung số, an ninh mạng, công nghiệp bán dẫn, công nghệ hydrogen, công nghệ môi trường và công nghệ y tế. Triển lãm thu hút sự tham gia của khoảng 300 DN, trong đó có nhiều “gã khổng lồ” là tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng như trong nước như: Tập đoàn Samsung, Tập đoàn SK, Tập đoàn Synopsys, Google, Signify, Intel, VISA, Meta, Viettel, VNPT, MoMo… Cùng với đó là sự tham dự của nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức tài chính như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Do Ventures, BCG, Quỹ Nextrans, Openspace venture…

Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, công trình NIC Hòa Lạc có quy mô đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, tọa lạc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc - Khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được định hướng phát triển theo mô hình trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao, nơi ươm tạo DN công nghệ cao… Dự án được khởi công đầu năm 2021. Trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, đến nay, công trình đã về đích, khánh thành theo đúng tiến độ. Lễ khánh thành công trình NIC Hòa Lạc được tổ chức vào ngày 28/10, tại Hòa Lạc, TP. Hà Nội.

Tại cuộc họp báo trước sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhấn mạnh: “Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, đúng thời điểm, thể hiện nỗ lực và kiên định tiếp tục thực hiện chính sách ĐMST Việt Nam”.

Song hành cùng việc khánh thành NIC Hòa Lạc, Bộ KH&ĐT cũng chủ trì tổ chức VIIE2023 từ 28/10 - 1/11/2023, với tầm nhìn trở thành sự kiện lớn trong khu vực về ĐMST, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của những giải pháp công nghệ tầm cỡ thế giới. Hàng trăm DN, tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế sẽ cùng hiện diện tại VIIE2023, với dự kiến thu hút khoảng 40 nghìn người tham dự. VIIE2023 được kỳ vọng là cầu nối giữa hệ sinh thái ĐMST Việt Nam và thế giới, là cơ hội kết nối, trao đổi, hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Để ĐMST trở thành “cú huých” phát triển kinh tế

Trong bức tranh tương lai, nhiều tổ chức tài chính quốc tế nhận định, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động, trong đó có nhiều biến động khó lường do tác động của các xung đột kinh tế - tài chính tại một số nền kinh tế lớn. “Với bối cảnh bất định như vậy, các nhà đầu tư muốn tìm kiếm một thị trường đầu tư an toàn, tin cậy và Việt Nam chính là điểm đầu tư hấp dẫn. Việt Nam có nhiều điểm cộng, nhất là tình hình chính trị, kinh tế ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện… Vì thế, năm 2023, năm 2024 và xa hơn, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư, thu hút nhiều nguồn lực quốc tế”, bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Nextrans (Hàn Quốc) tại Việt Nam nhận định.

Nhìn rõ cơ hội, nhưng đại diện Quỹ Nextrans cũng cho rằng, việc thu hút đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi hiện nay nguồn vốn không còn dồi dào và mặt bằng lãi suất không thấp như trước. Vì thế, các DN khởi nghiệp ĐMST Việt Nam phải luôn cố gắng, phải “đặt trên mặt đất” thực tế hơn trong việc định giá, gọi vốn phù hợp hơn.

TS. Nguyễn Việt Anh, CEO & Founder INTERCOM-IDC, sáng lập và nguyên Chủ tịch Mạng lưới ĐMST Việt Nam tại châu Âu cho rằng, yếu tố con người luôn chiếm vị trí quan trọng nhất trong hoạt động khoa học công nghệ, ĐMST. Để NIC thực sự là “bệ phóng” thúc đẩy ĐMST Việt Nam, song song với việc phát triển thể chế, đội ngũ lãnh đạo đang có, NIC cần tiếp tục thu hút nhân tài, lãnh đạo người Việt, gốc Việt và quốc tế để triển khai các chiến lược và dự án hiệu quả hơn nữa. “Các nhân tài này có thể làm việc lâu dài tại NIC hoặc theo thời vụ với các dự án cụ thể”, TS. Việt Anh gợi ý.

Ngoài ra, NIC Hòa Lạc cần tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng thật tốt để tạo điều kiện tốt nhất cho các startup có không gian sáng tạo, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quốc tế, được thử nghiệm các ý tưởng, sản phẩm mới. Bên cạnh đó, cần tiếp tục liên kết với các mạng lưới ĐMST, các đối tác, trung tâm khởi nghiệp và đầu tư quốc tế để tạo điều kiện cho người trẻ, các startup ra nước ngoài học hỏi, cọ sát và thu hút vốn đầu tư, mở rộng thị trường.

Để khoa học công nghệ, ĐMST thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách chung, đồng thời giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NIC nhằm hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa ĐMST Việt Nam.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC

Cùng với việc phát triển NIC tại Hà Nội và Hòa Lạc, NIC đang xây dựng hệ thống đối tác lớn là các DN lớn trong và ngoài nước; tổ chức quốc tế, nhằm tạo ra sự hợp tác hiệu quả, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm ĐMST.

Thời gian qua, NIC hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn, viện, trường, tổ chức quốc tế như Google, Meta, Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ)… đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy ĐMST. Cùng với đó là nỗ lực phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam trên toàn cầu, hiện có 2.000 thành viên, gồm các chuyên gia, trí thức người Việt, gốc Việt tiêu biểu trong và ngoài nước tại 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chuyên đề