NIC Hòa Lạc - “bệ phóng” cho công nghiệp bán dẫn

(BĐT) - Sự kiện khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở tại Hòa Lạc (gọi tắt là NIC Hòa Lạc) dự kiến vào ngày 28/10 tới có ý nghĩa rất lớn, bởi đây được kỳ vọng là “bệ phóng” để Việt Nam thu hút đầy đủ hơn, toàn diện hơn và hiệu quả hơn các nhà đầu tư nước ngoài vào 8 lĩnh vực trọng tâm, trong đó có công nghiệp bán dẫn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở tại Hòa Lạc dự kiến được khánh thành vào ngày 28/10/2023. Ảnh: NIC
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cơ sở tại Hòa Lạc dự kiến được khánh thành vào ngày 28/10/2023. Ảnh: NIC

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh kỳ vọng này khi chia sẻ về “cơ hội vàng” của Việt Nam trong thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần phát triển kinh tế theo chiều sâu. Ông đánh giá như thế nào về những dự án FDI ngành công nghiệp bán dẫn đầu tư vào Việt Nam thời gian gần đây?

Tôi rất vui vì Việt Nam được chọn là điểm đến của các dự án FDI liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực bán dẫn. Đây là điểm khởi đầu rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của Chính phủ giúp cho công nghiệp bán dẫn trở thành một trong những ngành công nghiệp tạo nên đột phá cho tăng trưởng nhanh và bền vững kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam và thực hiện những dự án trong lĩnh vực bán dẫn sẽ là động lực cho các doanh nghiệp (DN) tham gia kết nối, đồng thời thực hiện chuyển giao công nghệ, góp phần đưa các DN Việt Nam tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, vốn là một trong những ngành đầu tàu của nền kinh tế khu vực và thế giới.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ mới đây, hai nước đã nâng cấp quan hệ hợp tác, nhất là ở một số lĩnh vực nhiều tiềm năng, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này?

Việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ hợp tác lên tầm cao mới (Đối tác Chiến lược toàn diện) cho thấy, Việt Nam tiếp tục khẳng định là quốc gia có nền kinh tế ổn định và phát triển; đồng thời, khẳng định là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư Hoa Kỳ lựa chọn Việt Nam trở thành nơi đầu tư công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn là quá trình được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng. Trong quá trình này, Việt Nam đã tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển như: Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan…

Vì thế, việc hai quốc gia nâng cấp quan hệ hợp tác, trong đó có lĩnh vực bán dẫn là một trong những động lực thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng đi vào thực chất, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới trong thời gian tới.

Cùng với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn cũng rất quan tâm đến lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Để nắm bắt “cơ hội vàng”, Việt Nam có chính sách thu hút FDI lĩnh vực này như thế nào, thưa ông?

Đúng là hiện có nhiều nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế phát triển lựa chọn Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Điều này khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta ngày càng thuận lợi, thông thoáng và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Sự hấp dẫn này trước hết đến từ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Tiếp đó, Việt Nam có nền kinh tế năng động, phát triển với tốc độ nhanh. Thứ ba là những chính sách hỗ trợ, ưu đãi hấp dẫn nhà đầu tư. Cụ thể, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều nghiên cứu để đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. Điển hình như Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, các dự án đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, có sự kết nối với DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị được hưởng cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Tuy nhiên, theo tôi, tất cả những điều này là chưa đủ, bởi bên cạnh thu hút đầu tư, cần phải tạo dựng môi trường thuận lợi để duy trì đầu tư lâu dài. Từ đó, nhà đầu tư đồng hành cùng Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng, một cứ điểm sản xuất chất bán dẫn trong khu vực và thế giới.

Để làm được điều này, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự thông thoáng tối đa, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư tại Việt Nam; đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Cục Đầu tư nước ngoài đang và sẽ có những giải pháp nào kết nối DN Việt Nam với DN FDI trong lĩnh vực bán dẫn?

Là cơ quan được phân công quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quản lý đầu tư ra nước ngoài của Bộ KH&ĐT, chúng tôi nhận thức rõ đây là một cơ hội, đồng thời cũng là áp lực lớn để làm sao chuyển tải cơ chế, chính sách cũng như định hướng của Chính phủ trong phát triển lĩnh vực này. Qua đó, giúp Việt Nam thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo chiều hướng tích cực và thực hiện thành công các mục tiêu của Chính phủ.

Với sự chỉ đạo sát sao và sự ủng hộ từ phía lãnh đạo Bộ KH&ĐT, thời gian qua, Cục Đầu tư nước ngoài đã phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ KH&ĐT thực hiện nhiều hoạt động kết nối, tiếp xúc với các tập đoàn lớn cũng như các đoàn DN nước ngoài liên quan lĩnh vực công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực bán dẫn để giới thiệu môi trường đầu tư cũng như tạo sự kết nối với chính quyền địa phương để tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Trên thực tế, các hoạt động này đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Tôi tin rằng việc khánh thành và đưa vào hoạt động NIC Hòa Lạc sẽ là “bệ phóng” tạo ra một môi trường kết nối thực sự thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài lĩnh vực bán dẫn tăng cường hợp tác với DN Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những mắt xích quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ KH&ĐT đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế chính sách ưu đãi đối với NIC nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Theo ông, các chính sách này phải như thế nào để thu hút nhiều hơn DN lĩnh vực công nghệ cao?

NIC là bước tiến của Việt Nam trong việc nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành điểm đến quốc tế trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, NIC được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các DN, chuyên gia và nguồn lực có trình độ cao. Do đó, việc sửa đổi Nghị định số 94/2020/NĐ-CP rất quan trọng vì đây sẽ là khung khổ pháp lý nhằm tạo lập sự cạnh tranh đặc biệt của NIC.

Theo tôi, việc sửa Nghị định theo hướng vừa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; đồng thời xác định rõ nhu cầu thực sự của đầu tư là gì, trên cơ sở đó đưa ra những chính sách ưu đãi phù hợp, thay vì cách tiếp cận như trước kia là đưa ra những gì chúng ta có. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào NIC trong 8 lĩnh vực được định hướng, trong đó có công nghiệp bán dẫn.

Chuyên đề