Minh bạch môi trường đầu tư: Quyết sách thu hút doanh nghiệp

(BĐT) - Xác định việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch là yếu tố sống còn, là vấn đề then chốt trong thu hút đầu tư, Lào Cai đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, tối đa hóa các thuận lợi để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Với các giải pháp tối đa hóa thuận lợi cho nhà đầu tư, Lào Cai đã thu hút được nhiều dự án chất lượng. Ảnh: Lê Tiên
Với các giải pháp tối đa hóa thuận lợi cho nhà đầu tư, Lào Cai đã thu hút được nhiều dự án chất lượng. Ảnh: Lê Tiên

Giải quyết bài toán thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc, cơ bản tự cân đối được ngân sách, một trong những nhiệm vụ trọng yếu Tỉnh cần thực hiện là huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 280 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần giai đoạn 2016 - 2020. Để đạt mục tiêu này, tỉnh Lào Cai xác định vấn đề mấu chốt là giải quyết tốt bài toán thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Trong sách lược thu hút đầu tư của Lào Cai, bài toán được đặt ra với hàng loạt câu hỏi như: Nguồn vốn đầu tư huy động từ đâu? Đầu tư khu vực nào, lĩnh vực nào? Đầu tư như thế nào? Phân kỳ đầu tư ra sao? Hỗ trợ DN như thế nào?…

Từ thực tiễn của Tỉnh, trong bối cảnh, xu thế phát triển chung của đất nước, khu vực và thế giới, quan điểm chủ đạo, xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Lào Cai là ưu tiên, tập trung thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trên các lĩnh vực, thế mạnh đặc thù của Tỉnh theo định hướng phát triển bền vững, nhất là lĩnh vực du lịch - dịch vụ, phát triển logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Từ năm 2016 đến hết tháng 8/2019, Lào Cai thu hút được 138 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 21.432 tỷ đồng, trong đó có 133 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 20.842 tỷ đồng; 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 590 tỷ đồng. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực mang tính đặc thù, có lợi thế so sánh của Lào Cai như: thương mại - dịch vụ; phát triển du lịch; xây dựng đô thị; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khai thác chế biến sâu khoáng sản; thủy điện… Nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn.

Việc thực hiện giải ngân các dự án đầu tư đóng góp quan trọng cho động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế của Tỉnh, đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3 năm 2016 - 2018 đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng bình quân 20%/năm. Các dự án đầu tư về công nghiệp đi vào hoạt động góp phần khai thác, phát huy hiệu quả các thế mạnh của Tỉnh, thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trên 18%/năm. Hàng loạt dự án lớn về du lịch - dịch vụ tạo đột phá đưa du lịch phát triển nhanh, trở thành “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế. Lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2018 đạt gần 4,5 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Hoạt động kinh doanh thương mại, các ngành dịch vụ vận tải, logistics phát triển đa dạng, thị trường được mở rộng. Ngoài ra, một trong những chỉ tiêu hết sức quan trọng Lào Cai đạt được từ kết quả thu hút đầu tư là đóng góp cho thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh năm 2018 đạt gần 8.400 tỷ đồng.

Ở góc độ khác, việc các nhà đầu tư chiến lược như Sun Group, Bitexco, Alphanam, Geleximco… lựa chọn Lào Cai là điểm đến triển khai thực hiện nhiều dự án lớn đã có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng DN trên địa bàn. Nhiều DN lớn đóng vai trò dẫn dắt, tạo động lực cạnh tranh mạnh mẽ, lành mạnh để các DN cùng phấn đấu, phát triển, tạo nên sung lực mới cho Lào Cai. 

Nâng chất lượng thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh

Mặc dù đạt nhiều thành tựu về thu hút đầu tư, song để khai thác tốt, phát huy hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh trên các lĩnh vực, Lào Cai vẫn rất cần những dự án xứng tầm, có chất lượng cao của những nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế. Vì vậy, định hướng thu hút đầu tư của Tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 là chú trọng thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường; đảm bảo hiệu quả đầu tư, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Theo đó, trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cơ bản, Lào Cai sẽ ưu tiên các dự án chế biến sâu khoáng sản; các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; các dự án công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới. Đối với lĩnh vực du lịch - dịch vụ, Tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án phát triển du lịch tại một số địa phương có nhiều thế mạnh đặc thù như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; các dự án phát triển dịch vụ tại Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, khu đô thị TP. Lào Cai; các dự án trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch tại trung tâm các huyện, thành phố trong Tỉnh.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Lào Cai ưu tiên các dự án nông nghiệp quy mô sản xuất lớn, công nghệ cao trong chuỗi sản xuất - cung ứng phân phối ổn định trên cơ sở đặc thù khí hậu một số vùng của Tỉnh như các dự án nuôi trồng thủy sản nước lạnh, khu chăn nuôi tập trung đại gia súc lớn... Trong đó, một số dự án trọng điểm cần tiếp tục thu hút, xúc tiến đầu tư, nhất là các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bảo Yên, Bắc Hà; phát triển cây dược liệu tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, Lào Cai sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của cộng đồng DN, nhà đầu tư, các chuyên gia và thực tiễn phát triển, tỉnh Lào Cai cũng đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, Lào Cai sẽ tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bởi quy hoạch tốt mới có dự án tốt. Cùng với đó, Lào Cai sẽ tiếp tục chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là hoàn thiện, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai mở rộng, các khu công nghiệp, khu đô thị, giao thông kết nối như: Cảng hàng không Sa Pa, đường sắt tốc độ cao khổ 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đường nối cao tốc Lào Cai - Hà Nội với Sa Pa, cầu đường bộ Bản Vược - Bá Sái…

Trong nhóm giải pháp nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, Lào Cai cũng sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thị trường; sắp xếp bộ máy xúc tiến đầu tư tinh gọn, hiệu quả; đồng thời mở rộng và nâng tầm quan hệ hợp tác, tạo cơ sở khơi nguồn ngoại lực. Lào Cai cũng sẽ không ngừng nâng cao năng lực đối thoại giữa chính quyền Tỉnh với cộng đồng DN, nhà đầu tư. Hàng năm, Tỉnh sẽ tổ chức các cuộc họp riêng với nhóm các DN là tập đoàn, tổng công ty lớn; ngoài ra còn gặp gỡ và đối thoại với nhóm các DN theo ngành nghề, lĩnh vực như: công nghiệp; du lịch - dịch vụ; nông nghiệp… để qua đó nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, kịp thời tháo gỡ nhanh nhất, phù hợp nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN theo phương châm “chính quyền phục vụ DN”.

Mặt khác, Lào Cai cũng sẽ tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng thuận lợi nhất cho DN, người dân. Giải pháp mấu chốt nhất để thực hiện nhiệm vụ này là tạo động lực cải cách mạnh mẽ cho các cơ quan, địa phương. Theo đó, hàng năm, song hành với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, địa phương về thực hiện các chỉ tiêu cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thì từ năm 2019, Tỉnh sẽ thực hiện nâng cấp đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DCI) lên thành Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI). Qua đó, Lào Cai sẽ tiến hành điều tra, nghiên cứu, phân tích năng lực điều hành, hiệu quả cải cách hành chính của tất cả các huyện, thành phố, các cơ quan liên quan thông qua phản ánh, đánh giá khách quan từ cộng đồng DN, người dân. Trên cơ sở đó, các cơ quan, địa phương sẽ “định vị” được điểm mạnh, điểm yếu, từ đó tạo động lực đổi mới quyết liệt công tác điều hành với mục tiêu cao nhất là phục vụ nhân dân, phục vụ DN để phát triển.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư