Miền Trung: Không có thiệt hại về người sau bão số 4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đà Nẵng, Quảng Nam được xác định là tâm bão số 4 đổ bộ sáng sớm 28/9, trong khi Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi bị ảnh hưởng một phần. Nhờ chủ động trong công tác phòng, chống bão, đến thời điểm bão số 4 tan hoàn toàn, các địa phương không có thiệt hại về người.
Lực lượng quân đội tham gia dọn dẹp cây xanh ngã đổ sau bão tại Đà Nẵng
Lực lượng quân đội tham gia dọn dẹp cây xanh ngã đổ sau bão tại Đà Nẵng

Ngày 28/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 4 đã làm việc với các địa phương miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) về công tác ứng phó với bão số 4 và khắc phục thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, bão số 4 với cấp gió mạnh đã làm đổ bộ vào Đà Nẵng và kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, gió mạnh, rít và giật liên hồi. Tuy nhiên, rất may không có thiệt hại về người, chỉ có nhà bị tốc mái, hệ thống điện bị ảnh hưởng nặng nề với 3.340 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện trên diện rộng đến 252.849 khách hàng. Bên cạnh đó là số lượng lớn cây xanh gãy, ngã đổ do gió bão quật.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, ngay sau khi bão tan, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc xử lý, khắc phục hậu quả của bão; cố gắng trong ngày 29/9, tất cả các hoạt động của địa phương sẽ trở lại bình thường.

Trong sáng 28/9, chính quyền TP. Đà Nẵng đã có công văn cho cán bộ, công chức, viên chức đi làm lại từ chiều cùng ngày; Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn thông báo cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 29/9.

Tại Thừa Thiên - Huế, thống kê thiệt hại bước đầu do bão Noru (bão số 4) đến thời điểm hiện tại cho thấy, đã có 5 người bị thương, 1 ngôi nhà bị sập, 190 ngôi nhà bị tốc mái và khoảng 500 cây xanh bị đổ ngã. Thiệt hại nặng nhất là tại thôn Khánh Mỹ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, với hơn 60 căn nhà bị tốc mái hoàn toàn và đổ sập.

Trong khi đó tại Quảng Nam, bên cạnh thiệt hại về hạ tầng giao thông, sự cố tại 3.997 trạm biến áp cũng gây mất điện trên diện rộng (đến chiều 28/9 vẫn chưa khôi phục được). Trụ anten Trung tâm Truyền thanh TP. Hội An bị ngã đổ. Khu dân cư đường số 1 thôn Agrong, xã Atiêng; thôn A zứt, xã Bhlêê; thôn Ahu, xã Atiêng, huyện Tây Giang ngập sâu từ 0,5 - 1 m, gây thiệt hại đồ dùng của người dân…

Tại Quảng Ngãi, thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương này cho biết, bão số 4 quét qua địa bàn Tỉnh không gây thiệt hại về người nhưng gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, các công trình trường học, trạm y tế. Thiệt hại nhiều nhất là huyện đảo Lý Sơn.

Đánh giá về công tác phòng chống bão số 4 tại miền Trung, theo Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành, bão số 4 là cơn bão có diễn biến phức tạp nhưng không gây thiệt hại về người. Điều này cho thấy công tác ứng phó đã thành công.

“Trước mắt khẩn trương rà soát các điểm có thiệt hại, đặc biệt tại các khu dân cư, khu vực trọng yếu để hỗ trợ người dân; hệ thống cây xanh ngã đổ cũng nhanh chóng khắc phục, bảo đảm lưu thông và thông tin liên lạc. Sau khi bão tan, các địa phương không được chủ quan, lơ là, phải tiếp tục rà soát, ứng trực tại các khu vực nguy hiểm để ngăn ngừa thiệt hại do thiên tai”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Chuyên đề