Miền đất tiên cảnh

(BĐT) - Những ai đã từng đặt chân đến Lào Cai, được đắm mình trong bầu không khí tinh khôi, êm dịu và mát mẻ của Sa Pa - nơi gặp gỡ của đất trời sẽ chẳng thể nào quên được những cảm xúc bâng khuâng về một miền đất tiên cảnh. Kho báu du lịch của tỉnh Lào Cai không chỉ có Sa Pa mà còn nhiều địa danh khác như Bắc Hà, Bát Xát…, những điểm đến đẹp hút hồn mà du khách không thể bỏ qua.
Các di tích, di sản văn hóa, danh thắng tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Lào Cai. Ảnh: Lê Tiên
Các di tích, di sản văn hóa, danh thắng tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Lào Cai. Ảnh: Lê Tiên

Ngay từ năm 1905, Sa Pa đã được người Pháp biết tới với không khí mát mẻ, trong lành, cảnh quan hùng vĩ và là nơi nghỉ dưỡng yêu thích. Đây cũng là nền móng đầu tiên để Sa Pa trở thành “kinh đô nghỉ hè” của miền Bắc. Với độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển, đỉnh Phanxipang cao 3.143 m được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”, Sa Pa có khí hậu ôn đới và là nơi thường có tuyết rơi vào mùa đông tại Việt Nam. Đặc biệt hơn cả, Sa Pa là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tạo nên một nền văn hóa đa sắc màu. Hội tụ những lợi thế vượt trội so với nhiều địa phương khác, Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia vào tháng 12/2017.

Ngoài Khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai còn xác định 3 trọng điểm du lịch khác, gồm: TP. Lào Cai, huyện Bắc Hà và huyện Bát Xát.

Ngoài lợi thế của một đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh biên giới đang có tốc độ phát triển mạnh, là cầu nối quan trọng của hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng, TP. Lào Cai còn là điểm nối quan trọng trong hợp tác du lịch về nguồn của 3 tỉnh:  Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và du lịch Tây Bắc mở rộng, là điểm trung chuyển, dừng chân của hầu hết du khách đến với tỉnh Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc. TP. Lào Cai cũng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đẹp, những địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng như: Khu quần thể di tích Đền Thượng, Đền Cấm, Đền Quan, Đền Đôi Cô, Chùa Cam Lộ... Thành phố còn có nhiều điểm mua sắm thú vị với những sản phẩm đặc trưng của địa phương và của vùng Tây Nam Trung Quốc. Cặp cửa khẩu quốc tế đã giúp TP. Lào Cai phát triển sản phẩm du lịch “một điểm đến hai quốc gia” và là điểm trung chuyển khách Việt Nam sang du lịch Vân Nam - Trung Quốc, đồng thời là điểm đón khách Trung Quốc và khách nước thứ ba qua cửa khẩu sang du lịch Việt Nam.

Nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp mang đậm nét tự nhiên và lịch sử, Bắc Hà còn được mệnh danh là “cao nguyên trắng” bởi mỗi độ xuân về, cao nguyên Bắc Hà lại ngút ngàn hoa mận Tam Hoa trắng ngần. Tựa như Sa Pa, Bắc Hà có khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình từ 24 - 280C, là nơi hội tụ của những sắc màu dân tộc với nét văn hóa truyền thống của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đến Bắc Hà là đến với quê hương của phiên chợ văn hóa vùng cao nổi tiếng và những điệu xòe say đắm lòng người. Đặc biệt, chợ phiên Bắc Hà đã được Tạp chí Serendib (Sri Lanka) bình chọn là một trong 10 chợ hấp dẫn nhất của Đông Nam Á. Bắc Hà cũng là nơi ghi dấu nhiều di tích lịch sử - văn hóa có giá trị như: Thành cổ Trung Đô, Dinh Hoàng A Tưởng, Đền Bắc Hà…

Một điểm check-in thu hút nhiều bạn trẻ và các nhiếp ảnh gia đến với Lào Cai là Bát Xát. Địa danh này được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp kỳ thú với dãy Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ với nhiều đỉnh núi cao, cánh rừng già nguyên sinh Y Tý có hệ động - thực vật quý hiếm. Bát Xát cũng nổi tiếng với mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ nằm ở các xã Dền Sáng, Y Tý và A Lù; những ngôi nhà trình tường và lễ hội Gắt Tu Tu, Khô Già Già độc đáo ở Y Tý. Các chợ phiên Mường Hum, Bản Xèo, Y Tý, Trịnh Tường, Cốc Mì mang bản sắc riêng của các dân tộc thiểu số, phản ánh sinh động đời sống sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng là những điểm đến lý tưởng, hấp dẫn.

Nắm bắt lợi thế, tiềm năng to lớn đó, tỉnh Lào Cai đã xác định phát triển du lịch là một trong những đột phá lớn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Lĩnh vực du lịch của Tỉnh những năm qua đã có bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm luôn được duy trì ở mức cao, lượng khách du lịch tăng 20,3%/năm, tổng thu từ du lịch tăng 40,9%/năm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của Tỉnh. Qua đó, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh doanh lữ hành, trung tâm thương mại, các khu vui chơi giải trí cũng được thúc đẩy phát triển để đáp ứng nhu cầu thực tế, đồng thời giải quyết việc làm cho khoảng 8.300 lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực du lịch, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo bền vững.

Đến nay, Lào Cai đã bước đầu xây dựng được một số thương hiệu và sản phẩm du lịch nổi tiếng, đặc trưng, hấp dẫn du khách như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathone leo núi quốc tế, Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường TP. Lào Cai - Bát Xát - Y Tý - Bản Khoang - Sa Pa, Lễ hội 4 mùa, Lễ hội trên mây Sa Pa... Các di tích, di sản văn hóa, danh thắng phát huy giá trị, tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, Bát Xát; các di tích Đền Bảo Hà, Đền Cô Tân An, Đền Thượng, Dinh Hoàng A Tưởng; các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công truyền thống, chợ phiên...

Năm 2018, tổng lượt khách du lịch đến Lào Cai đạt khoảng 4,3 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 0,7 triệu lượt. Tổng số cơ sở lưu trú tại Lào Cai đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch với khoảng 1.200 cơ sở (khách sạn, nhà nghỉ và homestay) bao gồm gần 13.000 phòng.

Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút trên 5 triệu lượt khách năm 2019, tỉnh Lào Cai đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch của Tỉnh; xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng hoạt động dịch vụ du lịch tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, hợp tác với vùng Aquitaine - Cộng hòa Pháp, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, hợp tác phát triển du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh... để phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm...

Tỉnh Lào Cai cũng định hướng phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương theo hướng ưu tiên các sản phẩm gắn với lợi thế, tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa; phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược...

Với những mục tiêu, giải pháp đồng bộ mang tính đột phá, chiến lược, tin tưởng rằng trong tương lai gần, ngành du lịch Lào Cai sẽ có những bước chuyển mới mạnh mẽ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của du khách thập phương, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế - xã hội Lào Cai.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư