Mặt bằng kéo lùi tiến độ hoàn thành 3 tuyến metro trăm nghìn tỷ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, 3 tuyến đường sắt đô thị (metro) ở 2 đầu tàu kinh tế đất nước (Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương) có tổng mức đầu tư khoảng 124.557 tỷ đồng đều phải liên tục điều chỉnh kéo dài thời hạn thực hiện. Đến nay, chưa có dự án metro nào hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sau hơn 10 năm được phê duyệt đầu tư và triển khai.
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang được đề xuất điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2027 - ảnh internet
Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang được đề xuất điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2027 - ảnh internet

Mỗi dự án có nhiều nguyên nhân phát sinh để chậm “cán mốc” hoàn thành song một trong những lý do xuyên suốt kéo lùi tiến độ của 3 dự án metro nói trên là khó khăn về mặt bằng.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt đầu tư năm 2009 với thời hạn hoàn thành dự kiến năm 2018. Dự án đã 2 lần phê duyệt điều chỉnh năm 2019, 2020 với tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro (tương đương 32.910 tỷ đồng) và tiến độ hoàn thành kéo dài đến năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay UBND TP. Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến năm 2027 do công tác GPMB, di dời các công trình chậm.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (chủ đầu tư Dự án) cho biết, Dự án có tuyến chính dài 12,5 km, 12 ga và 1 depot với tổng diện tích đất sử dụng 204.135 m2. Dự án gồm 10 gói thầu chính, đến nay đã ký hợp đồng, triển khai thi công 9 gói thầu. Tiến độ chung của Dự án đạt 75,28%. Tuy nhiên, 9/10 gói thầu đều phải gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Tổng mức đầu tư của Dự án đã tăng từ 32.910 tỷ đồng lên 34.826 tỷ đồng do biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng; thanh đổi khối lượng công việc của hợp đồng; chậm tiến độ phải gia hạn hợp đồng; cập nhật giá trị các công việc trong tổng mức đầu tư; thay đổi chế độ chính sách liên quan đến quản lý chi phí dự án…

Hiện nay, công tác GPMB của Dự án vẫn còn 50 hộ bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm (ga ngầm) đang phê duyệt phương án tạm cư. Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND quận Ba Đình triển khai phá dỡ theo đúng chỉ giới GPMB. Ở khu vực depot của Dự án hiện có 177 hộ dân đang khiếu nại, chưa dứt điểm GPMB.

UBND TP.HCM đã báo cáo các bộ, ngành đề xuất điều chỉnh thời gian thi công Dự án metro số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đến cuối năm 2023. Ảnh Internet

UBND TP.HCM đã báo cáo các bộ, ngành đề xuất điều chỉnh thời gian thi công Dự án metro số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đến cuối năm 2023. Ảnh Internet

Dự án metro số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt đầu tư năm 2007, đã 4 lần phê duyệt điều chỉnh vào các năm 2008, 2011, 2019, 2021. Dự án có tuyến chính dài 19,7 km, 14 ga và 1 depot. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 126.582 triệu Yên Nhật (tương đương 17.387 tỷ đồng) song qua nhiều lần điều chỉnh và trễ hẹn hoàn thành (dự kiến năm 2018), tổng mức đầu tư hiện tại là 43.757 tỷ đồng. Sau gần 15 năm triển khai, hiện Chủ đầu tư (Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM) vẫn đang phải phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thành công tác GPMB các công trình hạ tầng, nhà dân còn lại dọc 9 cầu bộ hành của đoạn thi công trên cao.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, tổng khối lượng của Dự án đạt 93% và các gói thầu vẫn đang triển khai dở dang. Quá trình thực hiện Dự án phát sinh nhiều vướng mắc ảnh hưởng lớn tới tiến độ như dịch Covid-19, giá cả vật liệu biến động bất thường. Trong quá trình thực hiện, đơn vị tư vấn ngưng cung cấp một số dịch vụ nên phải đàm phán để khôi phục lại. Bên cạnh đó, công nghệ áp dụng trong lĩnh vực đường sắt đô thị nói chung và Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hoàn toàn mới ở Việt Nam, phải tham khảo áp dụng khoảng 3.000 tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp. Công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống trong quá trình triển khai thực hiện có những thay đổi về quy định pháp lý… Do đó, UBND TP.HCM đã báo cáo các bộ, ngành đề xuất điều chỉnh thời gian thi công Dự án đến cuối năm 2023; thời gian kết thúc Dự án đến hết năm 2028.

Còn Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt đầu tư từ năm 2010, đã phê duyệt điều chỉnh 2 lần năm 2013 và 2019 (dự kiến hoàn thành năm 2026). Dự án có tuyến chính dài 9,091 km, 14 ga và 1 depot với tổng diện tích sử dụng đất 251.136 m2. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư Dự án từ 26.116 tỷ đồng đã tăng lên 47.890 tỷ đồng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, Dự án có 603 hộ dân bị ảnh hưởng và đến nay mới bàn giao mặt bằng được 85,15%. Thủ tục bồi thường GPMB trên địa bàn Quận 3, TP.HCM kéo dài và liên tục vướng mắc. UBND TP.HCM đang chỉ đạo sát sao để phấn đấu năm 2022 cơ bản hoàn thành GPMB. Hiện nay, Dự án đã chọn xong nhà thầu cho 9/17 gói thầu; đang triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt dự toán chi phí bồi thường di dời - tái lập. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, phía đơn vị tư vấn IC (Liên danh tư vấn lập thiết kế nền tảng của Dự án) và Chủ đầu tư không đạt được sự thống nhất nên đơn vị tư vấn đã đơn phương ra thông báo kết thúc hợp đồng, làm chậm tiến độ Dự án khoảng 2 năm. Hiện nay, các nhà tài trợ đang thống nhất chuyển nội dung công việc của tư vấn IC sang đơn vị tư vấn khác của Dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, căn cứ theo tiến độ thực tế hiện nay của Dự án, UBND TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương được điều chỉnh thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án năm 2030. Lý do chính chậm tiến độ hoàn thành Dự án vẫn là công tác bồi thường, GPMB chậm, ban đầu xác định hoàn tất GPMB cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn không thể hoàn thành. Công tác đấu thầu Gói thầu CP3a/b (xây dựng đoạn đi ngầm) phải hủy thầu để đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng cho biết, công tác đàm phán phụ lục hợp đồng cho các công việc phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án đã không đạt được như kế hoạch, dẫn đến chậm tiến độ công tác cập nhật hồ sơ mời thầu, mời thầu lại các gói thầu chính của Dự án (dự kiến hoàn thành năm 2020 - 2021).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư