Hàng nghìn runner qua vạch xuất phát tại giải marathon ở Hạ Môn, Trung Quốc năm nay. Ảnh:XM |
Các giải marathon ngày càng trở nên phổ biến tại Trung Quốc với hàng triệu vận động viên (runner) tham dự mỗi năm. Theo Hiệp hội Điền kinh Trung Quốc (CAA), năm 2018, thị trường giải chạy đường dài nước này đạt giá trị 74,6 tỷ NDT, tương đương 10,8 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2015. Thị trường này được dự báo có thể đạt giá trị 18 tỷ USD vào năm 2020.
"Các giải chạy có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế", Phó chủ tịch CAA Yu Hongchen nói. Yu thống kê, Trung Quốc có 1.581 giải chạy đường dài năm 2018, tăng 40% so với năm trước đó với khoảng 5 triệu runner tham dự. Do đó, làn sóng này cũng tạo ra một cơ hội kinh doanh tốt cho các hãng sản xuất đồ thể thao, nhà tổ chức nhanh chóng bắt kịp xu hướng.
Từ năm 2007, Xtep International Holdings đã đồng tài trợ hơn 1.000 giải chạy, trong đó năm ngoái hãng tài trợ 31 giải. Năm ngoái, Xtep ghi nhận lợi nhuận 650 triệu NDT, tăng 61% so với cùng năm trước nhờ doanh số tăng 25% lên 6,3 tỷ NDT.
Công ty này sở hữu một nhóm chạy với hơn 60.000 runner đã đăng ký thành viên. Đây cũng là nhóm chạy lớn nhất Trung Quốc. Từ đó, Xtep cũng ra mắt một dự án thu thập thông tin từ 1.000 vận động viên marathon và runner để phát triển các sản phẩm mới. "Mỗi thương hiệu có một chìa khóa để cạnh tranh. Với chúng tôi, những người đam mê chạy bộ yêu Xtep", CEO Xtep Ding Shui cho biết tại một sự kiện gần đây.
Hãng Li Ning cũng đẩy mạnh quảng bá giày và các sản phẩm khác cho runner vài năm trở lại đây. Năm ngoái, doanh số công ty tăng 18% lên 10,5 tỷ NDT. Đây là năm đầu tiên doanh số của Li-Ning vượt 10 tỷ NDT. Trước đó, năm 2017, sản phẩm chạy đóng góp 26% vào doanh thu của Li Ning, vượt trội nhiều mảng khác.
CFO Li Ning cho biết: "Giày chạy đã trở thành một dòng sản phẩm quan trọng của chúng tôi. Những năm qua, nhu cầu giày chạy trở nên đa dạng hơn và chúng tôi đang phát triển nhiều loại giày hơn". Ông dự đoán, số lượng người tham gia chạy bộ tại Trung Quốc có thể đạt 10 triệu vào năm 2020.
Quản lý bộ phận hàng thể thao của Alisports (thuộc Alibaba) nhận định, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực đồ chạy tăng nhanh chóng nhờ thu nhập gia tăng của tầng lớp trung lưu. Ông cho rằng, ngành công nghiệp này bùng nổ cũng nhờ mục tiêu đưa Trung Quốc thành siêu cường thể thao của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chạy bộ là hình thức sơ đẳng và dễ tiếp cận nhất trong thể thao. Ông đánh giá, dù mạnh mẽ, sự tăng trưởng của lĩnh vực chạy bộ ở Trung Quốc mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và vẫn còn kém xa Mỹ.
"Chúng tôi dự kiến mỗi vận động viên sẽ chi tiêu ít nhất 3.000 NDT (hơn 10 triệu đồng mỗi năm cho chạy bộ", quản lí Alisports cho hay. Trong khi đó, theo website chuyên cung cấp dịch vụ cho các runner Trung Quốc iRanShao, hơn 7.000 người dùng của họ chi tiêu bình quân 4.000 NDT (khoảng 13,5 triệu đồng) năm 2016 cho việc chạy. Cục thống kê Trung Quốc cho biết, năm 2017, hàng tiêu dùng thể thao và giải trí đã tăng trưởng 17,1%.
Tại một số giải, thậm chí nhu cầu tham dự vượt nhiều lần số lượng nhà tổ chức có thể đáp ứng. Năm 2017, giải marathon Bắc Kinh quy mô 30.000 vận động viên nhưng gần 10.000 người đăng ký tham dự hay giải Thượng Hải quy mô 38.000 người nhưng có đến 150.000 runner đăng ký.
Các giải marathon cũng đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế tại các địa phương đăng cai. Giải marathon quốc tế ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô thu hút khoảng 30.000 runner, cùng một lượng lớn khách du lịch tham dự mỗi năm. Riêng năm 2016, giải chạy đã tạo ra doanh thu 143 triệu NDT cho thành phố ở miền Đông Trung Quốc.
Hai thành phố trên cùng với Hạ Môn là những địa điểm tổ chức giải marathon nổi tiếng nhất Trung Quốc hiện nay. Các nhà tổ chức Trung Quốc cũng đang tham vọng đưa chặng đua này trở thành một những giải marathon hàng đầu thế giới như Boston, Chicago, Tokyo, London, Berlin...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc cần xây dựng được một văn hóa để bắt kịp sự bùng nổ của phong trào chạy, cũng như cạnh tranh với các giải đấu lâu đời, danh giá tại Mỹ và châu Âu.
"Nếu bạn nghèo, bạn sẽ không nghĩ đến tham dự giải chạy vì còn việc khác phải quan tâm. Làn sóng bùng nổ các giải chạy ở Trung Quốc nhờ khả năng tài chính của người dân được cải thiện", một chuyên gia quan hệ công chúng nói với SCMP. Ông đánh giá, chất lượng các giải marathon ở Trung Quốc không thua kém nhiều so với phương Tây. Tuy nhiên, văn hóa đã khiến các giải đấu ở Trung Quốc và phương Tây khác biệt.
"Mỹ có một văn hóa chạy lâu đời và phong phú. Người dân tại các thành phố muốn trở thành một phần của các giải marathon nhưng nhiều người Trung Quốc sẽ cảm thấy tức giận vì đường bị cấm để tổ chức giải", ông nhận xét. Chuyên gia này ví dụ, runner tham dự New York Marathon khi chạy qua một khu biệt thự có thể được người dân vừa nướng thịt, vừa cổ vũ thì điều này không xảy ra ở Trung Quốc.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông Trung Quốc cũng chia sẻ với SCMP, runner Trung Quốc cũng rất "kén chọn" về dịch vụ khi tham gia các giải chạy marathon. Họ thường không ngừng phàn nàn hay so sánh về những thứ được tặng khi đăng ký dự giải như các loại gel (gói năng lượng hỗ trợ) trên mạng xã hội.
Nhiều runner Trung Quốc không có ý thức chuẩn bị những thứ cần thiết cho cuộc đua, họ cho rằng mọi trách nhiệm đều thuộc về nhà tổ chức. Một số runner Trung Quốc cũng không trung thực, sử dụng nhiều chiêu gian lận để đạt thành tích tốt. Cũng có một bộ phận runner chưa xuất phát từ tinh thần thể thao, tham gia theo phong trào để khoe ảnh hay thể hiện trên mạng xã hội.
Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn cũng là một vấn đề khiến các giải chạy marathon tại Trung Quốc kém hấp dẫn hơn so với nước ngoài. Bên cạnh đó, hình ảnh của các địa điểm tổ chức bị xấu đi bởi một số cơ sở lưu trú nhân cơ hội tăng giá phòng cao gấp bốn hoặc năm lần ngày thường khi có giải marathon diễn ra.
"Với nguồn lực tài chính dồi dào, Trung Quốc có thể cạnh tranh với các giải marathon phương Tây bằng cách đầu tư mạnh vào công nghệ. Tuy nhiên, để xây dựng, nâng cao văn hóa thì cần mất nhiều thời gian", một giám đốc quan hệ công chúng bình luận trên SCMP.