Dù sụt giảm số lượng và giá trị M&A bất động sản nước ngoài trong quý đầu tiên của năm, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn rót vốn vào bất động sản Anh. Ản:Telegraph |
Giám đốc Nghiên cứu Thị trường vốn Toàn cầu Jones Lang LaSalle (JLL), David Green Morgan cho biết, không chỉ có M&A tài sản nước ngoài sụt giảm, giao dịch bất động sản trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc cũng đã bất ngờ điều chỉnh giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù dữ liệu cho thấy sự sụt giảm mạnh mẽ có tính dây chuyền, nhưng điều này có thể không phải là kết quả trực tiếp của các quy định thắt chặt từ Chính phủ. "Nguyên nhân thực sự có thể là những bất ổn chính trị toàn cầu hiện nay khiến nhà đầu tư Trung Quốc dè dặt hơn", Green Morgan đánh giá. Tuy trong xu hướng sụt giảm, điểm đáng chú ý trong quý vừa qua là dòng vốn Hong Kong, Trung Quốc vẫn ghi nhận đổ bộ vào bất động sản Anh.
Tuy số lượng lẫn giá trị M&A bất động sản nước ngoài sụt giảm, các công ty Trung Quốc vẫn hoạt động tích cực tại thị trường nội địa. Trong quý vừa qua, Tập đoàn Metro Shenzhen đã thâu tóm công ty bất động sản China Vanke với giá 5,4 triệu USD và đây là hợp đồng M&A lớn thứ hai tại châu Á Thái Bình Dương. Green-Morgan tin rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào bất động sản.
JLL dự báo các giao dịch bất động sản trực tiếp toàn cầu trong tương lai sẽ sớm đạt khoảng 700 tỷ USD, tổng khối lượng M&A của ngành sẽ tăng lên. Sức hút của hoạt động mua bán sáp nhập ngày càng tăng từ nhiều tổ chức đầu tư. Do đó, lượng giao dịch sẽ tăng vào những quý còn lại của 2017, nhưng nhiều giao dịch M&A có thể phức tạp và mất nhiều thời gian để đạt được thỏa thuận.
Thị trường tồn tại mâu thuẫn là ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm M&A, nhưng việc tìm kiếm đối tác phù hợp để thực hiện được giao dịch thì không dễ. Thực tế hiện nay là dòng vốn cho quá trình mua bán sáp nhập đã sẵn sàng để giao dịch, nhưng liệu các thương vụ có được diễn ra hay không thì vẫn không chắc chắn. Nguồn tiền dồi dào nhưng cơ hội đang ngày càng bị hạn chế hơn.
Dữ liệu của đơn vị này cho biết, bất động sản chiếm 9% trên tổng giao dịch M&A toàn cầu và đạt khoảng 70 tỷ USD trong quý I/2017, cao hơn 14% so với 61,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo M&A của Thomson Reuters. Ngành năng lượng dẫn đầu và chiếm 18% trên tổng số các giao dịch thành công. Mức lợi nhuận của ngành bất động sản trong quý tăng khá cao hơn so với các lĩnh vực khác với 19,3 lần, so với một số ngành như công nghệ chỉ đạt 16,4 lần và ngành năng lượng đạt 17,3 lần.
Giữa những bất ổn Brexit và các cuộc bầu cử ở châu Âu, tổng khối lượng giao dịch M&A tại châu Âu đạt 108,8 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và đây là quý khởi đầu trong năm có mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ lần báo cáo đầu tiên vào năm 1980. Dữ liệu của đơn vị này cho thấy, tuy bất động sản không lọt vào top 10 thương vụ M&A, hoạt động giao dịch bất động sản trực tiếp tăng 3% lên 52 tỷ USD đưa London trở lại vị trí đầu bảng, vượt qua New York và là thành phố có nhiều giao dịch nhất trên toàn cầu.
Chuyên gia này đánh giá, châu Âu đem lại nhiều cơ hội vào thời điểm này, đơn giản là do những bất ổn chính trị. Đối với các công ty tham gia vào M&A, đây cũng là thời điểm khá tốt để có thể tìm một đối tác mới hay một cơ hội mới bởi không có ai chắc chắn về những tiến triển của Brexit hoặc tình hình ở Liên minh châu Âu.
Lượng giao dịch M&A bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm nay nhờ vào nhu cầu mua, bán bất động sản từ các tổ chức đầu tư. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các công ty phù hợp để giao dịch cũng là một thách thức. Chỉ có một lượng khiêm tốn các công ty bất động sản tham gia vào giao dịch. Trừ phi giá cả hấp dẫn, không thì các công ty này có lẽ sẽ chọn ở lại như một quỹ tư nhân và hoạt động độc lập.
"Bên cạnh giá trị bất động sản gia tăng, hiện các tài sản được chào giá rất cao. Đây là lý do tại sao rất khó để thuyết phục các bên nắm giữ bán lại tài sản," theo Green Morgan.