Lựa chọn nhà đầu tư tại Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn tiêu chí đấu thầu, đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nội dung mà cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cân nhắc, tiếp tục nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến là về tiêu chí đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất (DASDĐ) để lựa chọn nhà đầu tư. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều góp ý khi Dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 20 ha trở lên tại khu vực đô thị. Ảnh: Tường Lâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 20 ha trở lên tại khu vực đô thị. Ảnh: Tường Lâm

Điều 137 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Chính phủ báo cáo Quốc hội quy định về đấu thầu DASDĐ để lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, quy định rõ tiêu chí đấu thầu DASDĐ gồm cho thuê đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; cho thuê đất đối với đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có mục đích kinh doanh; giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) gắn với hạ tầng; các trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất mà có từ 2 nhà đầu tư quan tâm trở lên; dự án điều chỉnh đất đai để chỉnh trang và phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp cần lựa chọn nhà đầu tư; dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 20 ha trở lên tại khu vực đô thị.

Sau khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến về các điều kiện đối với đất để thực hiện đấu thầu DASDĐ; tiêu chí đối với các trường hợp đấu thầu DASDĐ để lựa chọn nhà đầu tư; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu DASDĐ, bảo đảm phù hợp, khả thi. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bảo đảm phân biệt rõ với trường hợp đấu giá QSDĐ, trường hợp không đấu giá QSDĐ, đấu thầu DASDĐ; xác định thứ tự ưu tiên áp dụng đấu giá hay đấu thầu trong trường hợp có dự án vừa đáp ứng điều kiện đấu giá và đấu thầu.

UBKT cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định về tiêu chí “dự án đô thị, nhà ở thương mại có quy mô từ 50 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 20 ha trở lên tại khu vực đô thị”, làm rõ dự án đô thị, nhà ở thương mại quy mô dưới 50 ha tại nông thôn, dưới 20 ha tại đô thị, sử dụng đất chưa giải phóng mặt bằng, không được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giao đất, cho thuê đất theo hình thức nào.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (đoàn đại biểu Quốc hội Khánh Hòa), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ trường hợp nào chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, trường hợp nào chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá QSDĐ tại Luật Đấu thầu. Trong trường hợp xác định 2 yếu tố này tại Luật Đất đai, thì Luật Đấu thầu cần quy định rõ nguyên tắc, trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư DASDĐ.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí, đấu thầu là muốn lựa chọn nhà đầu tư có khả năng thực hiện được dự án theo mục tiêu của Nhà nước, đồng thời cũng thu được lợi nhuận từ đất. Vì thế, đấu thầu nên áp dụng với tất cả trường hợp Nhà nước thu hồi đất có mục tiêu lợi nhuận kể cả đã GPMB hay chưa GPMB. Còn đấu giá QSDĐ để chọn nhà đầu tư áp dụng cho trường hợp chủ đầu tư tìm kiếm quỹ đất để thực hiện dự án mà không liên quan đến lợi ích quốc gia hay công cộng.

Trước đó, khi Dự thảo Luật được đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia, lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư đề xuất nên mở rộng trường hợp khu đất đưa ra đấu thầu DASDĐ. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển của địa phương trong điều kiện nguồn lực eo hẹp cho GPMB; vừa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 là “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu DASDĐ”.

Cho rằng không có căn cứ khoa học và thực tiễn để quy định chỉ đấu thầu dự án có quy mô diện tích từ 20 hay 50 ha trở lên, nhiều chuyên gia, luật sư, địa phương đề nghị bỏ quy định về quy mô diện tích và giao cho bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quyết định đấu thầu DASDĐ.

UBKT cũng có lưu ý về các phương thức giao đất khác quy định tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, UBKT đề nghị cần giải trình rõ lý do, sự cần thiết quy định về việc giao đất, cho thuê đất không đấu giá QSDĐ, không đấu thầu DASDĐ đối với các trường hợp “xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ” và một số trường hợp khác.

UBKT cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, sự cần thiết của quy định tại Điều 136 Dự thảo Luật về đấu giá đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với trường hợp được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo UBKT, việc cho phép đấu giá QSDĐ trong trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện rất cao do chưa bảo đảm khả năng GPMB để bàn giao đất cho nhà đầu tư, cũng như thiếu quy định cụ thể về thời điểm tính tiền sử dụng đất trong trường hợp này. Quy định phải được 100% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng khó khả thi.

Chuyên đề