FMF nhận định sẽ có tới 10.000 việc làm được chuyển từ Londond sang Frankfurt trước thềm Brexit và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tới năm 2024. |
Thủ đô London của Anh được dự báo sẽ mất tới 800 tỷ Euro (909 tỷ USD) tài sản tính tới tháng 3/2019 - thời điểm nước này chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi Brexit) - khi các ngân hàng chuyển cơ sở kinh doanh sang các trung tâm tài chính khác của châu Âu.
Đây là con số được tổ chức Frankfurt Main Finance (FMF) đưa ra trong một báo cáo mới đây, dựa trên xác nhận rằng 30 tổ chức tài chính đã đăng ký với Ngân hàng Trung ương châu Âu về việc chuyển trụ sở từ London sang Frankfurt (Đức). FMF cho rằng con số này có thể sẽ còn cao hơn nữa vào tháng 3 năm sau và tiếp tục tăng do Brexit.
Con số 800 tỷ Euro trên gồm các tài sản như tiền mặt, tài sản lưu động, các chi phí trả trước. FMF cho biết các công ty đang chuyển những tài sản này từ London sang Frankfurt để văn phòng mới có thể đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về vận hành và quy định pháp lý.
Trong báo cáo, Giám đốc điều hành Hubertus Vath của FMF cho biết sự bất ổn đang buộc các ngân hàng phải chuyển các chi nhánh hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh ra khỏi Anh. Một số ngân hàng lớn cho biết sẽ chuyển hoạt động của mình ra khỏi London trước khi Brexit chính thức diễn ra. FMF nhận định sẽ có tới 10.000 việc làm được chuyển sang Frankfurt trước thềm Brexit và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục tới năm 2024.
Các tổ chức đại diện cho London và lĩnh vực tài chính của thành phố cho rằng ngành này đã có sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất nhưng vẫn nhận thấy tác động lớn của việc di dời của các công ty. Catherine McGuinness, chủ tịch phụ trách chính sách tại City of London Corporation, cho biết bà chưa từng chứng kiến nỗi sợ mất một lượng lớn việc làm như hiện tại.
"Tuy nhiên, các công ty đang theo dõi sát sao tiến trình đàm phán giữa 2 bên (Anh và EU). Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc Anh có bị mất nhiều việc làm sau Brexit hay không", bà McGuinness nói với CNBC. "Dù thế nào, vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của London không thể dễ dàng bị thay thế bởi nơi nào khác tại châu Âu. Sự quan tâm của mọi người hiện giờ hướng vào một thỏa thuận, trong đó có lĩnh vực tài chính. Nếu không đạt được thỏa thuận, cả kinh tế Anh và châu Âu sẽ bị ảnh hưởng, tăng trưởng bị hạn chế và mất việc làm".
Stephen Jones, CEO bộ phận thương mại của U.K. Finance nhận định tương lai của kinh tế Anh phụ thuộc vào các chính trị gia và việc có "một cuộc tranh luận trung thực về những tổn hại thực sự của việc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận".
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May mới đây thất bại trong 2 cuộc bỏ phiếu liên tiếp về Brexit. Các kết quả này làm gia tăng nguy cơ thất bại của bà May trong cuộc bỏ phiếu quyết định về bản thỏa thuận Brexit dự kiến diễn ra vào tuần sau. Khi đó, Anh sẽ đứng trước khả năng - thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý mới hoặc rời EU mà không có thỏa thuận nào.