Lớn dần kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2021 có thể là một năm thảm họa với nhiều ngành kinh tế, nhưng lại là một năm bội thu của công nghiệp số, tạo đà cho nền kinh tế số sớm bùng nổ trong tương lai. Các quốc gia “nhanh chân” có thể tạo ra động lực tăng trưởng mới, trở thành điểm sáng kinh tế.
Hầu hết các ngành nghề buộc phải thích ứng với chuyển đổi số khi mô hình kinh doanh trực tuyến giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn
Hầu hết các ngành nghề buộc phải thích ứng với chuyển đổi số khi mô hình kinh doanh trực tuyến giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn

Xu hướng toàn cầu

Chuyển đổi số vốn được các nước và khu vực đẩy mạnh trong vài năm trở lại đây và đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tính tất yếu và vai trò của xu hướng này càng được khẳng định. Covid-19 làm thay đổi kinh tế toàn cầu, làm thay đổi đáng kể hành vi mua sắm của khách hàng. Vì lẽ đó, doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng với kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, có chiến lược số hóa các hoạt động, nếu như không muốn bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2021 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (WIPO) thuộc Liên hợp quốc công bố cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đổi mới từ châu Âu, Bắc Mỹ đến châu Á. Các quốc gia và doanh nghiệp tiếp tục tăng cường đầu tư vào đổi mới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch.

Từ yêu cầu bắt buộc do dịch bệnh, thế giới áp dụng các cách vận hành số hóa để công nghệ phục vụ con người, các nhu cầu và những thói quen mới. Có thể thấy xu hướng này rõ ràng nhất ở ngành ngân hàng. Theo báo cáo của Boston Consulting Group, ngân hàng số đang đánh dấu một thời kỳ phát triển vượt bậc ở Đông Nam Á. Kể từ năm 2015, số lượng ngân hàng kỹ thuật số đã tăng 190%, một phần nhờ sự khuyến khích, thúc đẩy của các chính phủ và các cơ quan quản lý.

Các ngân hàng truyền thống đang dần số hoá, bên cạnh đó là sự phát triển của các ứng dụng tài chính, ví điện tử... khiến thị trường trở nên đông đúc và tạo nên cuộc chạy đua khốc liệt. Nhìn vào mặt tích cực, sự cạnh tranh tạo động lực giúp toàn ngành cùng phát triển và xây dựng xã hội không tiền mặt tại các nước trong khu vực châu Á.

Công ty tư vấn về quản lý McKinsey mới đây đã thực hiện Khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân về hành vi sử dụng ngân hàng số năm 2021 với khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2021, tỷ lệ người dùng kỹ thuật số ở các thị trường mới nổi tại châu Á - Thái Bình Dương sử dụng ngân hàng số tăng mạnh, từ 54% năm 2017 lên tới 88% năm 2021.

Tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2021, từ 41% lên 82%. Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử tăng từ 16% năm 2017 lên 56% năm 2021.

Theo sau ngân hàng, hầu hết các ngành nghề buộc phải thích ứng với chuyển đổi số khi các mô hình kinh doanh trực tuyến giúp tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn, bất kể không gian, thời gian. Các giải pháp số và tự động hóa cũng giúp khắc phục vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, một trong những hệ lụy nghiêm trọng nhất của đại dịch đến nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu của McKinsey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với Brazil là 35%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của chuyển đổi số đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Theo Gartner, công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, các dự án chuyển đổi số đang là ưu tiên của rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường. Cụ thể, có tới 87% nhà lãnh đạo đánh giá số hóa quy trình là ưu tiên số 1, 40% các tổ chức đã và đang triển khai rộng rãi hoạt động đấu thầu nhằm số hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị và có tới 91% lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động số hóa trong từng phạm vi nhất định.

Thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future cho thấy, năm 2018, mức đầu tư cho chuyển đổi số toàn cầu đạt 205,65 tỷ USD. Ước tính tới năm 2025, con số này sẽ đạt khoảng 817,05 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng mức đầu tư trung bình hàng năm tới 18,87%.

Bùng nổ kinh tế số tại Việt Nam

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company nghiên cứu, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), 55% trong số đó đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị. Mức độ duy trì giữ ở mức cao khi tiêu dùng kỹ thuật số trở thành một lối sống. 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số trước đại dịch đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%.

Nhìn chung, đa số các ngành trực tuyến tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức hai con số. Thương mại điện tử của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 53% dù thị trường du lịch trực tuyến bị thu hẹp do các quy định hạn chế di chuyển. Dự kiến vào năm 2025, toàn bộ nền kinh tế số của Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 29%.

Cũng theo e-Conomy SEA 2021, tại Việt Nam, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. Sử dụng trung bình 2 nền tảng kỹ thuật số, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang trở thành nền tảng hỗ trợ quan trọng với 99% nhà bán hàng kỹ thuật số chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến và 72% đang áp dụng các giải pháp cho vay kỹ thuật số. Nhiều nhà bán hàng dùng các công cụ kỹ thuật số để thu hút khách hàng và 72% dự kiến sẽ tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị này trong 5 năm tới.

Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định phát triển kinh tế số là trụ cột, là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia những năm tiếp theo. Mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số của Việt Nam chiếm 20% GDP, đến năm 2030 chiếm 30% GDP, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số trong GDP sẽ đạt khoảng 11,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số khoảng 30%. Cùng với đó, tỷ lệ hóa đơn điện tử sẽ đạt mức 100% và tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử khoảng 50%. Cũng trong năm 2022 đặt mục tiêu khoảng 90% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử và 10% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân...

Chuyên đề