Ảnh Internet |
Theo số liệu được Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) công bố vào hôm thứ Ba (22/5), lợi nhuận các ngân hàng Mỹ đã tăng vọt 28% trong quý I/2018, lên 56 tỷ USD. Mức lợi nhuận khủng trên có được một phần nhờ kế hoạch cải tổ thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nền kinh tế nước này tăng trưởng vững chắc.
Kết quả tích cực trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ thông qua dự luật cắt giảm một số quy định giám sát ngân hàng - trước đó được đưa ra vào năm 2010 nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.
Mặc dù các ngân hàng thường xuyên phàn nàn khi bị giám sát quá chặt chẽ, song báo cáo của FDIC cho thấy ngành công nghiệp này hầu như không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự siết chặt quy định. Kể từ khi Đạo luật Dodd-Frank được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành lập vào tháng 7/2010, lợi nhuận của các nhà băng đã tăng 135%, khi nền kinh tế Mỹ thoát ra khỏi cuộc Đại suy thoái.
Báo cáo của FDIC cho biết, 70% trong tổng số 5.606 ngân hàng Mỹ tăng trưởng lợi nhuận trong quý 1/2018. Tỷ lệ các ngân hàng thua lỗ giảm xuống chỉ còn 3,9%. Danh sách các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ của FDIC giảm xuống chỉ còn 92, mức thấp nhất kể từ quý I/2018.
Theo FDIC, nhờ chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Trump, lợi nhuận của các ngân hàng đã tăng thêm 6,7 tỷ USD trong quý đầu năm 2018. Điều này có nghĩa, các ngân hàng Mỹ vẫn thu về mức lãi kỷ lục 49,4 tỷ USD mà không cần chương trình cắt giảm thuế này.
“Chương trình cải cách thuế đã giúp ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ hơn”, chuyên gia kinh tế của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ James Chessen cho biết.
Không ngạc nhiên khi phần lớn lợi nhuận của ngành ngân hàng Mỹ đến từ các ngân hàng lớn Phố Wall. Cả Morgan Stanley và Bank of America đều ghi nhận mức doanh thu quý I cao kỷ lục, trong khi tỷ suất lợi nhuận của Goldman Sachs cao nhất trong 5 năm. Ấn tượng hơn, JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã kiếm được 8,7 tỷ USD trong quý đầu năm nay. Đây là mức lợi nhuận hàng quý cao lịch sử trong ngành ngân hàng Mỹ.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn là vấn đề lớn đối với ngành ngân hàng Mỹ hiện nay, dù cho kinh tế tăng trưởng bền vững. Báo cáo của FDIC cho biết, các khoản vay thương mại và công nghiệp chỉ tăng 1,9% trong quý I/2018, trong khi các khoản vay thế chấp nhà chỉ tăng 0,4%.
“Tăng trưởng vốn vay vẫn còn ở mức thấp”, nhà phân tích chính sách Brain Garder tại Ngân hàng đầu tư KBW cho biết. Theo ông, đây là kết quả từ sự kết hợp của nhu cầu “yếu” đối với các khoản vay và áp lực pháp lý đối với các ngân hàng.