Lỗ hổng trong đấu giá quyền sử dụng đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của một số địa phương tới Bộ Tư pháp, xuất hiện tình trạng cá nhân, người trúng đấu giá cố tình trì hoãn, chây ì nộp tiền trúng đấu giá nhưng không thể hủy kết quả đấu giá, gây khó khăn trong việc thu và nộp tiền trúng đấu giá đất.
Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định về 5 trường hợp bị hủy kết quả đấu giá tài sản, song không có trường hợp người trúng đấu giá chậm trả tiền. Ảnh: Lê Tiên
Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định về 5 trường hợp bị hủy kết quả đấu giá tài sản, song không có trường hợp người trúng đấu giá chậm trả tiền. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 23/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Tổng hợp các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác tư pháp năm 2020 về lĩnh vực đấu giá tài sản cho thấy, vấn đề người trúng đấu giá không thực hiện đúng nghĩa vụ nộp tiền để thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) đang là vấn đề nổi cộm, gây nhức nhối tại nhiều địa phương.

Theo quy định, người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ số tiền mua tài sản theo thoả thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan sau khi trúng đấu giá. Việc thu tiền trúng đấu giá quyền SDĐ do Nhà nước giao có thu tiền SDĐ được thực hiện theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Theo Nghị định 45, trong 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người SDĐ phải nộp 50% tiền SDĐ; trong vòng 60 ngày tiếp theo, người SDĐ phải nộp 50% tiền SDĐ còn lại; quá thời hạn quy định, người SDĐ chưa nộp đủ số tiền theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định về quản lý thuế, trừ trường hợp có đơn xin ghi nợ tiền SDĐ đối với trường hợp được ghi nợ.

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định nộp chậm trong thời gian bao lâu thì phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Vì thế, tại nhiều địa phương xảy ra trường hợp người trúng đấu giá chây ì, không nộp tiền kéo dài.

Trong khi đó, Điều 72 Luật Đấu giá tài sản quy định về 5 trường hợp bị hủy kết quả đấu giá tài sản, song lại không có trường hợp người trúng đấu giá chậm trả tiền. Do vậy, nhiều địa phương đang gặp vướng mắc, không xử lý được. Trên thực tế, người có tài sản đấu giá quyền SDĐ tại nhiều địa phương không thể hủy kết quả đấu giá nếu không lập được biên bản vi phạm của người tham gia đấu giá hoặc người đấu giá không có đơn tự nguyện từ bỏ. Lỗ hổng này đã bị một số “cò” đất lợi dụng để kéo dài thời gian nộp tiền SDĐ, làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Thạc sỹ, Luật sư Quản Văn Minh thuộc Hội Luật gia Việt Nam cho biết, lợi dụng lỗ hổng này, nhiều người trúng đấu giá sẵn sàng chịu phạt chậm nộp nhằm kéo dài thời gian để tìm khách mua đất.

Theo tổng kết của Bộ Tư pháp, UBND TP. Đà Nẵng, UBND tỉnh Hải Dương… đã có kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc về đấu giá tài sản, trong đó có hướng dẫn xử lý cụ thể đối với trường hợp trúng đấu giá trốn tránh nghĩa vụ nộp tiền để thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Mới đây nhất, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xảy ra khiếu nại, khởi kiện khi UBND thị xã Hồng Ngự ban hành các quyết định huỷ 28/43 nền đất trúng đấu giá do người trúng đấu giá chậm nộp tiền.

Bộ Tư pháp đánh giá, hiện nay còn sự chưa thống nhất về việc người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp chậm tiền trúng đấu giá giữa quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá nếu chậm thực hiện nghĩa vụ nộp tiền) và quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP (cho phép chậm nộp và nộp phạt chậm nộp). Bộ Tư pháp đang rà soát về quy định không thống nhất của 2 Nghị định nêu trên và đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 văn bản này.

Chuyên đề