Linh hoạt thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đầu tư mới dự án giao thông đường bộ theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT trong vài năm trở lại đây chững lại, chủ yếu do vướng mắc về huy động vốn tín dụng. Việc mở rộng áp dụng các loại hợp đồng khác có điều kiện về vốn huy động ít áp lực hơn hợp đồng BOT là cần thiết để huy động thêm nguồn lực trong bối cảnh mới. Thực tế đã có chuyển động của những người trong cuộc với tinh thần dù biết khó nhưng “không đi thì không thể đến”.
Việc mở rộng áp dụng những loại hợp đồng khác là cần thiết để huy động thêm nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh các dự án BOT bị chững lại. Ảnh: Lê Tiên
Việc mở rộng áp dụng những loại hợp đồng khác là cần thiết để huy động thêm nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh các dự án BOT bị chững lại. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều loại hợp đồng PPP phù hợp với dự án giao thông

Tháng 6/2022, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Điện Biên làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1 theo phương thức PPP, loại hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) trong giai đoạn 2022 - 2030.

Ngày 5/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên ký quyết định chấp thuận nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Theo đó nhà đầu tư thực hiện là Liên danh các công ty Đèo Cả - Văn Phú - Phú Mỹ - Thành Lợi do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro trong trường hợp hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận. Cũng trong tháng 8/2022, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư xây dựng Dự án. Lãnh đạo tỉnh Điện Biên thể hiện quyết tâm cao để triển khai sớm dự án này, tháo gỡ nút thắt về giao thông, nâng cao năng lực kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, vùng Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, mở ra cơ hội phát triển cho Tỉnh.

Đây là dự án cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được nghiên cứu đầu tư theo loại hợp đồng BTL, thay vì BOT như thường thấy.

Với hợp đồng BTL, sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, hợp đồng BTL là phương án khả thi nhất để thực hiện Dự án. Địa phương cũng không phải bỏ ra số tiền lớn một lần mà có thể trả chậm.

Bên cạnh đó, với khung pháp lý về PPP hiện nay, theo Luật sư Trần Duy Hưng, Giám đốc điều hành Monitor Consulting - công ty tiên phong trong dịch vụ tư vấn PPP và phát triển các dự án hạ tầng tại Việt Nam, cấu trúc hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) cũng phù hợp với “khẩu vị” của nhà đầu tư và các bên cho vay quốc tế trong bối cảnh Nhà nước không bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho dự án PPP. Đây cũng là loại hợp đồng được áp dụng trong đầu tư đường cao tốc tại khá nhiều quốc gia, giúp giảm rủi ro về thu phí đối với nhà đầu tư.

Và với xu hướng đầu tư công nhiều tuyến cao tốc hiện nay, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một loại hợp đồng PPP khác là O&M (kinh doanh - quản lý) cũng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ Việt Nam, hệ thống đường cao tốc hình thành trong tương lai sẽ là khối tài sản rất lớn, cần được quản lý và khai thác tốt mới mang lại hiệu quả đầu tư. Tại nhiều quốc gia, để tận dụng năng lực quản trị của khu vực tư nhân, nhà nước làm đường cao tốc rồi nhượng quyền vận hành, khai thác cho tư nhân theo hợp đồng O&M, tiền thu được đưa vào quỹ đầu tư hạ tầng để tiếp tục đầu tư các dự án khác.

Việc áp dụng các loại hợp đồng BTL, BLT, O&M đối với dự án hạ tầng giao thông hiện còn một số vướng mắc về cơ chế. Ảnh: Nhã Chi

Việc áp dụng các loại hợp đồng BTL, BLT, O&M đối với dự án hạ tầng giao thông hiện còn một số vướng mắc về cơ chế. Ảnh: Nhã Chi

Tháo gỡ vướng mắc, mở đường hút vốn

Các loại hợp đồng BTL, BLT, O&M đang thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hợp đồng BTL, BLT chưa được áp dụng nhiều trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 8 dự án PPP mới thực hiện sau khi Luật PPP có hiệu lực, có 7 dự án áp dụng hợp đồng BOT, 1 dự án áp dụng hợp đồng BLT trong lĩnh vực cung cấp nước sạch. Trong số 139 dự án PPP chuyển tiếp, chỉ có 11 dự án áp dụng loại hợp đồng BLT, BTL; 9 dự án BOO; 8 dự án O&M, còn lại áp dụng hợp đồng BOT. Các dự án áp dụng loại hợp đồng khác BOT chủ yếu trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, thu phí sử dụng đường bộ (BOO); chiếu sáng, trụ sở làm việc (BLT)...

Việc áp dụng các loại hợp đồng BTL, BLT, O&M đối với dự án hạ tầng giao thông, theo một chuyên gia về PPP, vẫn còn một số vướng mắc về cơ chế, như vướng Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Ví dụ về dòng kinh phí bố trí thanh toán cho các dự án áp dụng hợp đồng BLT, BTL, đa số dự án PPP giao thông có thời gian hoàn vốn trên 10 năm, nhưng nguồn vốn đầu tư công bố trí theo kế hoạch hàng năm (trước Luật Đầu tư công 2014) và trung hạn 5 năm.

Đối với hợp đồng O&M, ông Trần Chủng cho rằng, muốn mô hình này trở thành hiện thực, cần phải giải nút thắt từ thể chế và từ trong nhận thức về việc thu phí sử dụng trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Qua quá trình rà soát sau 2 năm thi hành Luật PPP, Bộ KH&ĐT đã tổng hợp một số vướng mắc đối với việc áp dụng loại hợp đồng. Trong đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, quy định về việc áp dụng loại hợp đồng O&M đối với một công trình kết cấu hạ tầng (là tải sản công) cần được phân định rõ ràng với quy định chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, do đó cần đồng bộ với pháp luật về quản lý sử dụng tải sản công. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị cần tháo gỡ quy định về quy trình, thủ tục bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo hợp đồng BTL, BLT, nguồn kinh phí cần được hướng dẫn cụ thể hơn và đồng bộ với pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công.

Chuyên đề