Chậm nhất đến 31/7/2020, các bộ, ngành, địa phương phải giao chi tiết hết đối với tất cả các nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên |
Không phân bổ hết sẽ bị thu hồi
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công diễn ra ngày 16/7, việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 khác so với các năm trước. Thủ tướng Chính phủ đã giao một lần toàn bộ kế hoạch vốn trước ngày 30/11/2019. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và UBND cấp dưới. Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo vẫn còn nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giao chi tiết hết kế hoạch vốn cho các dự án để giải ngân với tổng số vốn còn lại là 27.404,171 tỷ đồng.
Việc chậm giao chi tiết kế hoạch vốn được nhận định là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định, trước ngày 30/6/2020, các bộ, ngành, địa phương phải phân bổ chi tiết hết, trường hợp không phân bổ hết Trung ương sẽ thu hồi. Do năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư công mới, và khó khăn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoàn tất thủ tục đầu tư của dự án, Chính phủ đã cho phép chậm nhất đến 31/7/2020 phải giao chi tiết hết đối với tất cả các nguồn vốn. Quá thời hạn này, Bộ KH&ĐT tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển vốn chưa phân bổ.
Tại Hội nghị giao ban ngành KH&ĐT ngày 28/7/2020, Bộ KH&ĐT đề nghị các đơn vị báo cáo tình hình thực hiện giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án đến ngày 30/6/2020 và đến ngày 31/7/2020. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 (dự kiến diễn ra đầu tháng 8/2020) thu hồi số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết, điều chuyển cho những nơi có nhu cầu bổ sung vốn.
Không để lặp lại chuyện giữ tiền không tiêu được
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, giải ngân đầu tư công được xem là giải pháp quan trọng hàng đầu để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều giải pháp mạnh đã được ban hành để không lặp lại câu chuyện giữ tiền mà không tiêu được tại nhiều bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122/2020/QH14, quyết nghị trong trường hợp cần thiết giao Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì rà soát tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2020 và nhu cầu bổ sung vốn của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng ngay trong tháng 8/2020 xem xét, điều chuyển kế hoạch vốn.
Bộ KH&ĐT liên tục đốc thúc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải ngân, chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ dự án giải ngân chậm sang dự án có tiến độ giải ngân cao để đảm bảo giải ngân toàn bộ kế hoạch đầu tư công năm 2020. Ngày 23/7, Bộ tiếp tục có công văn đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo tình hình giải ngân vốn đến hết tháng 7/2020, dự kiến giải ngân đến ngày 30/9/2020; phân tích rõ nguyên nhân giải ngân không đạt tiến độ, đề xuất giải pháp; nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, chi tiết từng dự án, lý do… Các nội dung báo cáo này cần gửi về Bộ KH&ĐT trước ngày 5/8/2020 để kịp thời tổng hợp báo cáo Chính phủ và Thủ tướng.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ thuộc Bộ KH&ĐT lưu ý các địa phương chủ động rà soát kỹ khó khăn, vướng mắc của các dự án chưa giải ngân/tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là các dự án ODA để chủ động điều chỉnh nội bộ trong địa phương hoặc đề xuất điều chuyển vốn sang các địa phương khác để Bộ KH&ĐT tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền ngay trong tháng 8/2020. Trong quá trình đề xuất điều chuyển vốn giữa các dự án, các địa phương chịu trách nhiệm về tính chính xác của tỷ lệ giải ngân, trường hợp không điều chuyển sang các dự án khác thì đảm bảo khả năng giải ngân hết số vốn được giao trong năm 2020; trường hợp điều chuyển sang các dự án khác thì chịu trách nhiệm tiếp tục đề xuất bố trí vốn trong các năm sau để hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Để thúc đẩy giải ngân, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát tiến độ thực hiện từng dự án, chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ kết hợp đảm bảo chất lượng, an toàn, khi có khối lượng phải hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán ngay. Các địa phương ban hành kế hoạch, giải pháp cụ thể tháo gỡ giải phóng mặt bằng, kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, phân công lãnh đạo theo dõi...