Lan tỏa tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

(BĐT) - Để có được Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hiệu quả thì yếu tố quan trọng trong điều hành là tùy theo tình hình thực tế của quốc gia mà có giải pháp phù hợp. Việc đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020 được xem là cần thiết trong một bối cảnh đặc biệt như năm nay.
Trước tác động của dịch Covid-19, việc đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết. Ảnh: Danh Lam
Trước tác động của dịch Covid-19, việc đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020 là cần thiết. Ảnh: Danh Lam

Kết quả từ những giải pháp phù hợp, sát thực tiễn      

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các giải pháp ứng phó của Việt Nam được các quốc gia, tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận là điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, giữa bối cảnh đại dịch và kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, nhiều nước tăng trưởng âm, tốc độ tăng trưởng GDP quý I của nước ta vẫn đạt khoảng 3,82%; an sinh xã hội, đời sống của người dân vẫn được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quảng Bình, đánh giá, những giải pháp Chính phủ đưa ra để điều hành nền kinh tế trong các tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19 là hợp lý, linh hoạt và rất sát thực tiễn. Sự quyết liệt, quyết tâm cao của Chính phủ với mục tiêu rõ ràng, kiên định xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, người dân, doanh nghiệp (DN) đã kiểm soát dịch rất tốt, tạo điều kiện cho DN và nền kinh tế sớm phục hồi.

Ông Phương cũng đánh giá rất cao việc lãnh đạo Chính phủ đã rất quan tâm, lắng nghe DN, tổ chức Hội nghị gặp gỡ cộng đồng DN vừa qua, từ đó xây dựng giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo bước chuyển biến về kinh tế…

Tại một tọa đàm vừa diễn ra cách đây ít ngày, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên ĐBQH khóa XIII đoàn ĐBQH TP.HCM, cũng chia sẻ sự đánh giá rất cao đối với chính sách “chống dịch như chống giặc” đi đôi với duy trì ổn định kinh tế. “Trước tác động của dịch Covid-19, so với khu vực và thế giới thì kinh tế Việt Nam đã chống chịu tương đối tốt, khi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương, chứ không âm như nhiều nền kinh tế khác”, ông Lịch đánh giá. 

Tùy tình hình thực tế mà có giải pháp linh hoạt, phù hợp

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch Covid-19 gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng chưa từng có. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng -3%, trong đó Mỹ là -6,1%; khu vực đồng Euro là -7,5%; Nhật là -5,2%; trong khu vực ASEAN, Singapore là -3,5%, Thái Lan là -6,7%, Việt Nam là 2,7%, cao nhất khu vực. Tổ chức Thương mại thế giới dự báo thương mại toàn cầu giảm từ 13 - 32%; dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm 30 - 40%...

Ông Lịch chia sẻ, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chính sách chống dịch tại các nước trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Sự gãy đổ rất lớn các chuỗi giá trị sản xuất và phân phối mà hàng ngàn, hàng vạn DN tham gia vào sẽ còn gây ra nhiều khó khăn lớn cho DN.

Báo cáo Quốc hội vào sáng ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tình hình mới. Trong đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19; đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở từ 1/7/2020 để cùng chia sẻ khó khăn với DN do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách... Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thể hiện quan điểm Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn, trong đó có kịch bản với dự báo chưa thể khống chế dịch bệnh trong năm 2020; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020…

Đồng tình với các đề xuất của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng năm nay của Chính phủ có cơ sở khoa học, căn cứ từ thực tế dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa nói đến thiên tai, khó mở rộng quan hệ kinh tế với các nước... Với tình hình hiện nay không thể đạt được mục tiêu đề ra. Ông Phương cho rằng với mức độ dịch bệnh tạm ổn định, Chính phủ đang có nhiều chủ trương chính sách mạnh mẽ hỗ trợ sản xuất kinh doanh, DN, thì mức giảm GDP năm nay sẽ vừa phải, mức tăng trưởng GDP từ 5 - 6% là phù hợp, có thể lấy làm mục tiêu phấn đấu.

Chuyên đề