Lan tỏa tinh thần 30/4, giành chiến thắng trong cuộc chiến mới

(BĐT) - 45 năm sau ngày đất nước giải phóng, cả dân tộc đang ở thời kỳ sung mãn, thời kỳ cường tráng, trẻ trung giữa cuộc đổi mới đất nước, thì dịch Covid-19 tràn đến. Như một sự trùng lặp của lịch sử, những ngày cuối tháng 4 năm nay, chúng ta cũng đã có những chiến thắng hết sức quan trọng trong cuộc chiến cam go này. Đó là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân. 
Cả dân tộc tạo thành một khối, đồng lòng giành chiến thắng trong cuộc chiến mới. Ảnh: Lê Tiên
Cả dân tộc tạo thành một khối, đồng lòng giành chiến thắng trong cuộc chiến mới. Ảnh: Lê Tiên

Vào cuộc sớm, quyết tâm cao

Là quốc gia sát với Trung Quốc - nơi khởi đầu nguồn dịch, đến thời điểm hiện tại Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm thấp và không có người tử vong. Kết quả này như một điều thần kỳ! Thành tựu được cộng đồng quốc tế rất ghi nhận và đi giải mã: vì sao Việt Nam lại làm được điều đó trong khi nhiều quốc gia xa xôi với tiềm lực kinh tế rất mạnh lại tổn hại không nhỏ do dịch Covid-19. Có lẽ sự chủ động, không chủ quan, vào cuộc từ rất sớm là một trong những nguyên nhân mang lại thành công. 

Ngay từ đầu tháng 1, khi biết dịch bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), chưa lan ra bên ngoài, Việt Nam đã thiết lập hàng loạt giải pháp ngăn chặn Covid-19.

Đánh giá tầm mức nghiêm trọng của dịch bệnh, ngày 29/1/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra. Trong đó nhấn mạnh nội dung, xác định công tác phòng, chống dịch do chủng mới Corona là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra, huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, toàn dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân...

Ngày 1/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch Covid-19. Thư của Tổng Bí thư nêu rõ: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội. Thời gian qua, toàn dân ta đã đồng lòng, cùng chung sức với Đảng, Nhà nước ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh bước đầu có hiệu quả. Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn hơn gấp nhiều lần, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa, kiên quyết hơn nữa”.

Bám sát chỉ đạo của Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các ngành, các cấp quyết liệt vào cuộc với phương châm: “Hiểu ta, hiểu địch, trăm trận trăm thắng”. Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”, nhắc lại tinh thần “12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972”, với mệnh lệnh hành động như mệnh lệnh của cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn ngày 7/4/1975: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút…”.

Có người nói, dịch bệnh là việc trời đất, sức chống đỡ của con người có hạn thì phải theo thiên thời mà hành sự. Ý chí chủ quan liệu có hiệu quả, có nói quá lên so với thực tế không? Xin thưa không! Phát biểu của Thủ tướng chính là mệnh lệnh, là quyết tâm cao độ với mọi giải pháp, mọi nguồn lực vật chất và trí tuệ trong cuộc chiến sinh tử với Covid-19 lần này. Đây là cuộc chiến thực sự cam go, thách thức và quyết tâm của chúng ta là chiến thắng. Vì sao vậy? Vì dịch Covid-19 không phải bằng thịt, bằng xương, không điên cuồng bom rơi đạn lửa. Chúng vô ảnh, vô hình, nhưng sức tàn phá thì khủng khiếp, thậm chí còn hơn cả những cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử nhân loại.

Vào thời điểm đầu tháng 1, Trung Quốc vẫn chưa công bố dịch bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm từ người sang người, nhưng Việt Nam đã không do dự. Không những khẳng định Covid-19 có khả năng lan tràn diện rộng mà ngay lập tức, ngày 28/1, Việt Nam đã thành lập đội phản ứng nhanh, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu. Tất cả các địa phương trong cả nước được yêu cầu theo dõi chặt chẽ, phát hiện ngay ca nhiễm, cách ly triệt để.

Toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương xuống địa phương, bao gồm cả lực lượng quân đội, công an sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân, khi cần thiết thì khử trùng, tẩy độc. Các cửa khẩu, lối mòn, lối mở qua lại biên giới phải đóng cửa, các chuyến bay đi và về Trung Quốc đình hoãn. Chính phủ cũng yêu cầu mọi người dân đeo khẩu trang trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo. Thời gian này, trên toàn quốc lập nhiều khu cách ly tập trung, hạn chế từng phần nhập cảnh với nước ngoài.

Ngay sau Tết Nguyên đán, Chính phủ đã cho các trường học đóng cửa, ngưng hoạt động kinh doanh không thiết yếu, cấm tập trung đông người... Thực tế, trước khi Thủ tướng công bố cách ly xã hội vào đầu tháng 4, Việt Nam đã ngưng nhiều hoạt động ngay từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2.

Bằng kinh nghiệm ngăn chặn dịch SARS năm 2003 và cúm H1N1 năm 2009, Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực sẵn có để tránh quá tải với hệ thống y tế và gây tổn hại về kinh tế.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước

Có thể nói, không phải mọi quốc gia trên thế giới đều thực hiện đồng loạt các giải pháp nhanh, mạnh, quyết liệt, dứt khoát chống Covid-19 như Việt Nam. Điều đáng ghi nhận là, cuộc chiến này đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, kỷ luật, trách nhiệm, ý chí vượt khó, tương thân tương ái của người dân cả nước. Có lẽ rất lâu rồi chúng ta mới lại chứng kiến “những trái tim cùng chung nhịp đập”, tình nghĩa đồng bào, đồng chí, gắn bó yêu thương nhau trong lúc hoạn nạn. Hình ảnh hàng ngàn chiến sĩ quân đội nhường cơm sẻ áo, hy sinh cả nơi ăn, chỗ ở cho lao động, học sinh, Việt kiều từ nước ngoài về nước cách ly y tế được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đã chạm đến trái tim của hàng triệu người.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dù phải gồng mình trong khó khăn, vẫn tự nguyện quyên góp chống dịch và giúp đỡ người nghèo trong lúc hoạn nạn. Thật cảm động khi những cây ATM gạo khởi đầu từ Đồng Nai, lan tỏa khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, giúp cho hàng vạn người nghèo vượt qua cơn khốn khó.

Và đến hôm nay, Việt Nam đã đứng vững trong “cơn bão” dịch bệnh. Nhận xét về khả năng chống dịch của Việt Nam, báo Liberation News (Mỹ) viết: Việt Nam có màn thể hiện ngoạn mục trong cuộc chiến toàn cầu chống căn bệnh này. WHO và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ghi nhận mô hình phòng chống dịch bệnh toàn diện, chi phí thấp của Việt Nam. Các tổ chức này coi Việt Nam là “ngọn hải đăng” về cách ứng phó với dịch Covid-19 trong khi nguồn lực hạn chế. Còn tuần báo I’Obs (Pháp) khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu”. Tờ The New York Times (Mỹ) nêu rõ, với nỗ lực “sáng suốt”, Việt Nam đã bảo đảm tỷ lệ lây nhiễm thấp hơn so với nhiều nước láng giềng…

Hiện nay, dù diễn biến dịch bệnh trong nước đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng tình hình dịch bệnh trên thế giới còn rất phức tạp. Đến nay vẫn chưa thực sự tìm ra loại vaccine, thuốc đặc trị có hiệu quả chặn đứng dịch bệnh này. Chính vì lẽ đó, với tinh thần “quyết chiến và toàn thắng”, tất cả chúng ta phải tiếp tục đồng tâm hiệp lực chống dịch, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Mặt khác, đã đến lúc phải bắt tay vào việc phục hồi nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, đây là lúc cả hệ thống chính trị, mọi người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội đoàn kết một lòng, nêu cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật, bước vào cuộc chiến đấu mới - phục hồi nền kinh tế, với tinh thần như 45 năm trước: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa”. Với điểm tựa vững chắc là dịch bệnh được kiểm soát, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong việc hồi phục nền kinh tế, đón bắt cơ hội mới khi dịch bệnh đi qua.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư