TS. Cao Viết Sinh phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đức Trung |
Định hình mục tiêu phát triển 2021 - 2023
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng một số chỉ tiêu cụ thể cho thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân khoảng 8,4 - 8,6%/năm. GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đến năm 2030 khoảng 18.000 - 18.500 USD. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030 dự kiến như sau: công nghiệp - xây dựng khoảng 58,0 - 58,5%; dịch vụ 29,0 - 29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0 - 6,5%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 6,5 - 6,7%. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 55%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 tối thiểu 63,5%, đến năm 2030 đạt trên 70%, các đô thị hạt nhân được “thông minh hóa”.
Nền kinh tế dựa trên trụ cột chính gồm: Công nghiệp; dịch vụ (bao gồm dịch vụ cảng biển, logistic, du lịch, vui chơi giải trí, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các năng lực sản xuất mới tổ chức theo chuỗi và hình thành các cụm liên kết ngành.
Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030 (Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của dự án) |
Cơ cấu kinh tế (GRDP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030 (%) |
Cùng với đó, Bà Rịa - Vũng Tàu có khát vọng hoàn thành đầu tư khung hệ thống kết cấu hạ tầng: cảng biển hiện đại; đường cao tốc kết nối thuận lợi với các tỉnh lân cận; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; hạ tầng số đủ năng lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số; hạ tầng đô thị cơ bản được đầu tư hiện đại và tổ chức tốt; hạ tầng khoa học công nghệ và đào tạo phát triển… hình thành một điểm (hub) về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Căn cứ vào phương án tăng trưởng theo kịch bản kỳ vọng, dự báo nhu cầu vốn đầu tư của Tỉnh lũy kế đến năm 2030 theo giá hiện hành khoảng 1.500.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 57 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 500.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 1.000.000 tỷ đồng.
Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu phát triển của Tỉnh, đòi hỏi huy động một lượng vốn đầu tư rất lớn. Trong đó, đặc biệt là huy động và sử dụng vốn phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của Tỉnh. Các giải pháp huy động vốn đầu tư là một trong những điểm quyết định thực thi Quy hoạch Tỉnh. Vậy nguồn tài chính nào sẽ tạo nên 57 tỷ USD cho thực thi Quy hoạch, là câu hỏi cần được giải đáp rõ ràng.
Huy động 57 tỷ USD từ đâu?
TS. Cao Viết Sinh đã đặt câu hỏi trên tại cuộc họp Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu đầu tư lớn, cần phải có hệ thống biện pháp huy động vốn một cách rất tích cực và tập trung, tạo ra sự “bùng nổ” trong đầu tư phát triển sản xuất. Tỉnh sẽ có nhiều giải pháp để huy động vốn từ mọi nguồn khác nhau, được xác định như một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong mục tiêu phát triển địa phương.
Đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, Tỉnh cho rằng, muốn đảm bảo nguồn vốn này, cần phải tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, có biện pháp khuyến khích tiết kiệm và tăng cường đầu tư cho lĩnh vực sản xuất. Triển khai thực hiện tốt công tác hiện đại hoá công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực quản lý, điều hành ngân sách phù hợp với tiến trình hội nhập. Nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp, khách hàng và nhân dân, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ, kiểm tra, kiểm soát được hoạt động tài chính của các đối tượng để thu hồi đầy đủ, kịp thời các khoản thu thuế, phí vào ngân sách.
Tỉnh cũng dự kiến khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, tài sản công, cụ thể hoá cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động giao dịch bất động sản, đẩy mạnh tổ chức bán đấu giá công khai quỹ đất, quỹ nhà; thành lập sàn giao dịch bất động sản.
Toàn cảnh Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư, nguồn vốn này tuỳ thuộc vào khả năng phát triển sản xuất. Vốn tín dụng đầu tư dài hạn, vốn tín dụng từ các quỹ hỗ trợ đầu tư sẽ tập trung cho một số đơn vị sản xuất kinh doanh theo đối tượng ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước làm ăn có hiệu quả thuộc các ngành công nghiệp và dịch vụ sản xuất hàng hoá xuất khẩu... Đồng thời, các doanh nghiệp phải vay vốn trung và dài hạn, huy động vốn tự có, vốn cổ phần các hình thức liên doanh liên kết... để tạo nguồn cho đầu tư phát triển.
Đối với nguồn vốn đầu tư từ dân và doanh nghiệp, Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, để có thể huy động tối đa nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, trước tiên Luật Doanh nghiệp phải được triển khai mạnh trên địa bàn Tỉnh để tạo ra được một đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Để các doanh nghiệp thu được lợi nhuận cao hơn, qua đó nguồn thu của Nhà nước từ thành phần này tăng lên, cần khuyến khích và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đối tác liên doanh. Ngoài ra, cần có 2 tác động hỗ trợ các doanh nghiệp là: hỗ trợ đào tạo các doanh nhân và thợ lành nghề, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường (giá cả, thông lệ buôn bán quốc tế) và điều kiện tiếp thị, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng tỷ lệ tái đầu tư.
Đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cần xúc tiến việc quảng bá tạo cơ hội thu hút đầu tư, trọng tâm là: tuyên truyền quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư thuận lợi ở Tỉnh; xây dựng và quảng bá thương hiệu các sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất - kinh doanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật... Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các chính sách khuyến khích của Tỉnh về đầu tư, khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới công nghệ, phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phát triển mạnh các loại hình du lịch và mở rộng thị trường xuất khẩu…
Đánh giá về những nội dung trong dự thảo Quy hoạch, TS. Cao Viết Sinh cho rằng, phần vốn ngân sách, vốn doanh nghiệp và vốn FDI cần phải được làm rõ hơn, đặc biệt, cần bổ sung đề xuất các cơ chế, chính sách tài chính có tính đột phá cho Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển. Thành viên Hội đồng thẩm định chỉ ra rằng, nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 tăng 19% so với giai đoạn 2016 - 2020, tuy nhiên nhu cầu vốn giai đoạn 2026 - 2030 tăng gần 100% so với giai đoạn 2021 - 2025. “Cần có sự phân tích làm rõ hơn về việc nhu cầu vốn tăng đột biến ở giai đoạn 2026 - 2030”, ông nói.