Lâm Đồng: Dự án giao thông “đội” vốn trăm tỷ, do đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đơn giá, định mức căn cứ xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) biến động tăng dần theo thời gian; quá trình đo đạc, kiểm đếm GPMB thiếu sót cộng với “bão giá” vật tư, vật liệu… là những tác nhân khiến chi phí đầu tư xây dựng tăng đột biến. Thực trạng nhức nhối này đang hiện hữu tại một số dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình cũng như hiệu quả đầu tư.
Một số dự án tại Lâm Đồng “đội” vốn do chi phí giải phóng mặt bằng tăng mạnh cộng với yếu tố trượt giá do biến động thị trường. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Một số dự án tại Lâm Đồng “đội” vốn do chi phí giải phóng mặt bằng tăng mạnh cộng với yếu tố trượt giá do biến động thị trường. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Tháng 3/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường giao thông nối từ đường Lữ Gia xuống thượng lưu hồ Xuân Hương và xây dựng kè chắn xung quanh hồ lắng số 1 và dọc theo suối (đoạn từ hồ lắng số 1 đến điểm đường Lữ Gia mở rộng), TP. Đà Lạt. Dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Đà Lạt giữ vai trò chủ đầu tư, với dự toán 138 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, chi phí xây lắp 67,853 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án 1,335 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng 3,189 tỷ đồng; chi phí dự phòng 3,238 tỷ đồng; chi phí đền bù GPMB 60,87 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Đà Lạt, qua tính toán, chi phí bồi thường GPMB thực tế cần chi trả ước tính lên tới 163,544 tỷ đồng (tăng 102,674 tỷ đồng so với giá trị đã được phê duyệt là 60,87 đồng). Đồng thời, Chủ đầu tư dự tính tăng chi phí dự phòng từ 3,238 tỷ đồng lên 23,743 tỷ đồng. Theo đó, ngày 3/3/2023 vừa qua, UBND TP. Đà Lạt đã có tờ trình đề xuất UBND Tỉnh phê duyệt điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của Dự án từ 138 tỷ đồng lên 261,18 tỷ đồng.

Đề cập nguyên nhân gây “đội” chi phí, UBND TP. Đà Lạt cho biết, tại thời điểm lập chủ trương đầu tư và dự toán bước lập dự án đầu tư chưa đủ điều kiện thu thập được giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất của toàn bộ hộ dân có liên quan. Do đó, khi tính toán, đơn vị khảo sát áp dụng đa số diện tích thu hồi theo đơn giá bồi thường đất nông nghiệp trong đô thị. Nhưng trên thực tế, có nhiều trường hợp đủ điều kiện chi trả bồi thường theo đơn giá đất thổ cư, dẫn tới chi phí GPMB tăng mạnh. Ngoài ra còn có nguyên nhân xuất phát từ việc điều chỉnh các quy định liên quan. Cụ thể, đơn giá đất tại thời điểm lập hồ sơ dự án đầu tư được tính theo Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng, với hệ số đất nông nghiệp là 14 lần (155.000 đồng x 14 = 2.170.000 đồng). Tuy nhiên, hệ số này đã được điều chỉnh tại Quyết định số 2865/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng, theo đó xác định hệ số giá đất nông nghiệp là trung bình khoảng 47 lần (155.000 đồng x 47 = 7.285.000 đồng).

Trước kiến nghị tăng tổng mức đầu tư nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo giao các sở, ngành kế hoạch và đầu tư, tài chính, giao thông vận tải rà soát đề nghị của UBND TP. Đà Lạt và tham mưu UBND Tỉnh phương án xử lý dứt điểm trong tháng 3/2023.

Theo tìm hiểu, hạng mục xây lắp của Dự án do Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 khởi công vào tháng 9/2021; với tổng giá trị hợp đồng 67,252 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng. Tiến độ công trình được đánh giá khả quan khi đã thảm nhựa được khoảng 300 m đầu tuyến, một số kè chắn tại vị trí hồ lắng và nền đường từ Km0+500 đến Km0+660...

Bên cạnh chi phí GPMB, yếu tố trượt giá do biến động thị trường cũng là một trong những tác nhân làm tăng chi phí đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng đường ĐH.3 (Hồ Xuân Hương - Tân Phú - Tân Thành - Ponguor - Quốc lộ 20), huyện Đức Trọng. Theo đó, điều chỉnh tăng tổng giá trị xây lắp từ 84,687 tỷ đồng lên 87,458 tỷ đồng (Liên danh Công ty TNHH Hưng Nguyên và Công ty TNHH Phúc Minh đảm nhận thi công).

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đức Trọng (Chủ đầu tư) cho biết, nguyên nhân của việc điều chỉnh dự toán xây lắp là tại thời điểm lập dự án đầu tư (năm 2019), nguồn vật liệu đất đắp được tính toán lấy từ vị trí mỏ cách chân công trình 11 km, đến nay phải điều chỉnh lại vị trí nguồn vật liệu, dẫn đến phát sinh chi phí. Cùng với đó, nhiều định mức, đơn giá đã bị lạc hậu do yếu tố trượt giá. “Theo kế hoạch, công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm nay”, đại diện Chủ đầu tư thông tin.

Liên quan đến các gói thầu xây lắp, trong diễn biến mới nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp vừa quán triệt các chủ đầu tư nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc để phát sinh chi phí thực hiện dự án. Trong công tác quản lý, triển khai thực hiện các dự án, yêu cầu tuyệt đối không để phát sinh tăng tổng mức đầu tư; trong công tác thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán theo thẩm quyền của chủ đầu tư tuyệt đối không tăng giá trị xây lắp so với giá trị đã được phê duyệt trong dự án đầu tư.

Chuyên đề