Lãi suất ngân hàng “nhấp nhổm”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xu hướng tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây được nhìn nhận chủ yếu do sự thiếu hụt nguồn vốn ở một số ngân hàng thương mại. Thời gian tới, dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng chủ yếu do áp lực lạm phát, song mức tăng không lớn nếu thực hiện tốt các giải pháp kiểm soát lạm phát và nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Năm 2022, nhiều khả năng lãi suất có thể tăng nhưng mức biến động sẽ không lớn. Ảnh: Lê Tiên
Năm 2022, nhiều khả năng lãi suất có thể tăng nhưng mức biến động sẽ không lớn. Ảnh: Lê Tiên

Từ đầu tháng 2, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Đơn cử, VPBank tăng lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 và 9 tháng thêm 0,2% và tăng 0,5% cho kỳ hạn 12 tháng. VietCapitalBank tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1 - 0,2%/năm.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, động thái tăng lãi suất huy động ở một vài ngân hàng là do nhu cầu vốn và thanh khoản từ nội tại của ngân hàng chứ chưa hẳn chịu tác động bởi các yếu tố vĩ mô. Theo đó, một số ngân hàng có nhu cầu vốn cao để phục vụ các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn, một số ngân hàng đang gặp sức ép thanh khoản do nợ xấu gia tăng hoặc nợ được tái cơ cấu kỳ hạn trả nợ nên nguồn vốn chưa kịp quay trở về ngân hàng. Mặt khác, thời điểm sau Tết, nhiều người dân có nguồn tiền mặt dồi dào, trong khi các kênh đầu tư khác đang được đánh giá là khá rủi ro nên một số ngân hàng tận dụng cơ hội để thu hút lượng tiền nhàn rỗi này.

Trong thời gian tới, theo ông Linh, mặt bằng lãi suất nói chung chịu lực đẩy chủ yếu từ xu hướng đi lên của lạm phát do giá cả hàng hóa tăng, thanh khoản của một số ngân hàng có thời điểm sẽ gặp khó khăn do nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Chính phủ và các cơ quan điều hành đã rất thận trọng với việc kiểm soát lạm phát trong năm nay, đồng thời, nỗ lực điều hành và yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhiều khả năng lãi suất có thể tăng nhưng mức biến động sẽ không lớn.

Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, biểu lãi suất huy động đã được điều chỉnh tăng trong thời gian qua, đặc biệt dành cho khối khách hàng cá nhân nhằm thu hút lượng tiền dư thừa, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với huy động, tạo áp lực lên hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại. Với triển vọng nền kinh tế mở cửa hoàn toàn trong giai đoạn tới, nhu cầu tín dụng tăng mạnh và áp lực lạm phát tăng dần, nhóm nghiên cứu cho rằng lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và sẽ bắt đầu nhích tăng trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, trong kịch bản cơ sở, lãi suất huy động sẽ tăng 20 - 25 điểm cơ bản.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng 0,3 - 0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng do tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, áp lực lạm phát tăng dẫn đến lãi suất tăng là hiện hữu với Việt Nam trong năm nay. Theo nghiên cứu của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, dự báo lạm phát năm nay ở mức 3,5 - 3,8%. Lãi suất huy động có thể tăng từ 0,3 - 0,8% tùy từng kỳ hạn, nhưng lãi suất cho vay cơ bản ổn định. Mức tăng lãi suất dự báo này đã bao gồm tính toán về tác động từ xu hướng tăng giá của hàng hóa dịch vụ và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.

"Ở một số thời điểm trong năm, lãi suất huy động có thể tăng do tính chất thời vụ, việc cân đối nguồn vốn của các ngân hàng và một số yếu tố tác động từ chính sách. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ được giữ tương đối ổn định theo mục tiêu phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đa dạng hóa hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn, góp phần điều hòa chi phí huy động vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí", ông Lực nói.

Chuyên đề