Lãi suất giảm, tín dụng vẫn khó tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa hỗ trợ vừa thúc đẩy dòng vốn tín dụng ra thị trường song dự báo từ nay đến cuối năm, tín dụng vẫn chỉ tăng trưởng khiêm tốn khoảng 8 - 9%.
Nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp trong nửa cuối năm do nhiều doanh nghiệp tạm dừng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Ảnh: Lê Tiên
Nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp trong nửa cuối năm do nhiều doanh nghiệp tạm dừng mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Ảnh: Lê Tiên

Trong tháng 8 và ngay ngày đầu tháng 9 năm nay, một số ngân hàng thương mại tiếp tục công bố giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,2 đến 0,4 điểm phần trăm so với biểu lãi suất huy động trước đó. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng hiện phổ biến ở mức 3,5 - 4%, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 4,4 - 6,1%, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 6,2 - 6,9%.

Cùng xu hướng với lãi suất huy động, lãi suất cho vay tại một số ngân hàng cũng giảm. Ngân hàng SHB cho biết, từ ngày 28/8 đã triển khai chương trình ưu đãi vay sản xuất, kinh doanh, theo đó, điều chỉnh mức lãi suất vay từ 9,6%/năm xuống mức lãi suất ưu đãi từ 8,4%/năm. Với vay tiêu dùng, mức lãi suất vay mua nhà đất điều chỉnh từ 7,5%/năm xuống mức từ 6,5%/năm; lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm từ 7,7%/năm xuống mức lãi suất từ 6,8%/năm.

Tương tự, tại BIDV, từ ngày 28/8, ngân hàng này triển khai gói vay “Kết nối - Vươn xa” quy mô 30.000 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng tham gia đến 30/9/2020 sẽ được hưởng lãi suất từ 5,5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 6%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng;

Theo khảo sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%/năm, tương đương mức cho vay của Philippines và thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia, Myanmar, Mông Cổ, Bangladesh...

Nhận xét về xu hướng giảm lãi suất trong thời gian qua, NHNN cho rằng, nhờ các giải pháp mạnh và quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với đầu năm. Thống kê mới nhất từ cơ quan này cho biết, tính đến cuối tháng 7, tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 261.671 tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất với dư nợ 1.218.326 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi đạt 1.281.941 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%/năm so với trước dịch. Việc giảm lãi suất cho vay mới cũng như các khoản dư nợ hiện hữu là do các tổ chức tín dụng tiết giảm hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt…

Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng giảm lãi suất sẽ còn tiếp diễn từ nay đến cuối năm do nhu cầu tín dụng vẫn thấp và cơ quan điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục chủ trương hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại sẽ giảm 0,25 - 0,5 điểm phần trăm trong nửa cuối năm, trong đó lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn có thể giảm mạnh hơn so với các kỳ hạn dài.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán VCBS kỳ vọng lãi suất huy động có thể giảm 0,7 - 1 điểm phần trăm tại các kỳ hạn trong cả năm nay. Lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm chủ yếu tại một số lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Từ phía đầu ra của vốn tín dụng, để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc đẩy mạnh cho vay, NHNN đã có chủ trương nới hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng. Thống kê từ Công ty Chứng khoán BSC cho biết, trong tháng 6/2020, NHNN đã cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng vừa và nhỏ. Theo đó, có 5 ngân hàng được nới hạn mức tín dụng năm 2020 rất mạnh là Techcombank, VPBank, VIB, TPBank và HDBank lên mức 19 - 23% từ mức 10,5 - 13%.

Dù vậy, tăng trưởng tín dụng cả năm nay được dự báo vẫn yếu do kinh tế suy giảm và các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc cho vay.

Liên quan nội dung này, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán BSC nhận định: “Nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh hiện nay đang ở mức thấp, các ngân hàng không hạ tiêu chuẩn cho vay do e ngại rủi ro, dè dặt hơn trong việc cung ứng vốn ra cho thị trường nhằm giữ chất lượng tài sản chống chọi qua thời gian khó khăn. Việc tập trung vào cho vay mảng ít rủi ro hơn sẽ giúp các ngân hàng tránh được các cú sốc về nợ xấu”.

Còn theo VNDirect, nhu cầu tín dụng vẫn ở mức thấp trong nửa cuối năm do nhiều doanh nghiệp quyết định tạm dừng mở rộng hoạt động kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát. Dự báo tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 8 - 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết, trong 8 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng rất thấp, khoảng trên 4,2%, những tháng cuối năm sẽ khả quan hơn và khả năng sẽ tăng trưởng mỗi tháng thêm 1%, cuối năm đạt từ 8 - 9%.

Chuyên đề