Kỳ vọng nhiều “đại bàng” xây tổ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư ngoại. Hàng loạt động thái bỏ vốn của các “sếu đầu đàn” trong thời gian qua đã minh chứng cho điều đó.
Tổng vốn đầu tư FDI năm 2021 ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Tổng vốn đầu tư FDI năm 2021 ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Cú "chốt" đơn tỷ USD

Trong một năm mà nền kinh tế Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực bị che lấp bởi đại dịch, điểm sáng lớn nhất của Việt Nam vẫn là sự kỳ vọng của nhà đầu tư lớn, những “đại bàng” trong lĩnh vực của họ.

Cuối năm 2021, thông tin hãng đồ chơi LEGO quyết định đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại Bình Dương trong sự thèm muốn của các quốc gia trong khu vực. Đây là nhà máy thứ 6 trên thế giới và thứ 2 ở châu Á, nó cho thấy vị thế của Việt Nam trên bản đồ chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của ông lớn này.

Đáng nói hơn, việc cam kết số vốn lớn cho thấy các doanh nghiệp châu Âu đã, đang và sẽ nhìn ra được Việt Nam, điểm đến đầu tư đáng chờ đợi mà lâu nay các doanh nghiệp châu Âu bị các tập đoàn châu Á tại các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore vượt mặt. Có thể kỳ vọng, với 1 tỷ USD của LEGO, nhà đầu tư Đan Mạch mở ra chương mới trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu thời gian tới, nhất là khi Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có hiệu lực.

Bên cạnh ông lớn LEGO, năm 2021, thành quả thu hút FDI của Việt Nam có thể kể đến nhiều dự án lớn như Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (nhà đầu tư Singapore) với tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD...

Giữa bối cảnh Covid-19 phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu và tác động nghiêm trọng đến Việt Nam, hiệu ứng hàng tỷ USD vốn đầu tư của các đối tác lớn cho thấy những kỳ vọng của nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam vẫn rất lớn.

Còn nhớ, khi dịch Covid-19 bùng phát ở các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đã xuất hiện tin đồn NIKE, Adidas... sẽ chuyển nhà máy ra khỏi Việt Nam. Nhưng, sự thật hoàn toàn khác.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, qua tìm hiểu cụ thể, đây là thông tin không chính xác.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất bị gián đoạn buộc một số doanh nghiệp FDI như NIKE phải chuyển đơn hàng ra nước khác, tuy nhiên, sau khi Chính phủ đối thoại, ban hành Nghị quyết 128 NQ-CP quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" thì đơn hàng lại trở về Việt Nam.

"Nhà đầu tư nước ngoài không thể đơn giản nói đi là đi vì không dễ dàng từ bỏ nền móng, công sức mà người ta đã đầu tư bấy lâu nay", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Với vị thế của thị trường gần 100 triệu dân, cửa ngõ vào ASEAN, mở cửa thị trường với các đối tác lớn, Việt Nam cần hiện thực hóa chiến lược thu hút có chọn lọc FDI để chủ động kêu gọi “đại bàng”, “sếu đầu đàn” làm tổ, bởi đã qua thời Việt Nam kêu gọi thu hút FDI bằng mọi giá.

Không những không rút đi mà Adidas mới đây đã ủng hộ chiến dịch "Hồi sinh nhịp thở Việt Nam" với số tiền 245.100 EURO (khoảng 6,6 tỷ đồng). Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam cho hay, kể từ khi phát động chiến dịch này vào tháng 8/2021, họ đã quyên góp được hơn 1,5 triệu EURO cho Việt Nam. Đây là minh chứng cho thấy các công ty châu Âu luôn tận tâm hỗ trợ Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn và là đối tác lâu dài cho sự phát triển và thành công của Việt Nam trong tương lai.

Chờ đợi chương mới của FDI từ năm 2022

Theo số liệu mới cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, tổng vốn FDI năm 2021 ước tính đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia dẫn đầu đầu tư vào Việt Nam là Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các tỉnh dẫn đầu thu hút FDI như Long An, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, năm 2021 dù khó khăn lớn của đại dịch khiến việc thông thương, đi lại khó khăn, hoạt động khảo sát bị ảnh hưởng do chính sách cách ly y tế. Tuy nhiên, kết quả trên đã phần nào phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Trong cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cam kết đến Việt Nam tăng là điều đáng mừng. Để tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, Bộ KH&ĐT đã có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ Công an đề xuất cho phép chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam một cách thuận lợi.

Từ góc độ nghiên cứu độc lập, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng: Chính phủ đang xây dựng chương trình kích thích kinh tế, gói hỗ trợ mới cho doanh nghiệp, thêm vào đó là xây dựng cơ chế đặc thù ở nhiều địa phương, cải cách thể chế đẩy nhanh quá trình phục hồi. Cùng với kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, điều này sẽ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh.

Ông Lộc đánh giá: "Qua khó khăn, chúng ta thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng vào triển vọng kinh doanh dài hạn ở thị trường Việt Nam, tin vào sự điều hành, kiểm soát dịch của Chính phủ Việt Nam".

Tuy vậy, để chủ động đón vốn đầu tư chất lượng cao, ông Lộc cho rằng, điều kiện tiên quyết là cải cách thủ tục hành chính, môi trường thể chế kinh tế thực sự kiến tạo, phát triển để có sức hấp dẫn rất lớn trong so sánh tương quan với các đối thủ trong khu vực.

Thực tế, đánh giá hiệu quả về vốn đầu tư FDI vào Việt Nam không chỉ nằm ở con số, lượng dự án, mà còn ở chất lượng vốn và tính lan tỏa. Dường như nhiều năm qua, FDI vẫn chưa thực sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, giá trị xuất nhập khẩu vẫn chiếm 70% tổng kim ngạch của Việt Nam,...

Với vị thế của thị trường gần 100 triệu dân, cửa ngõ vào ASEAN, mở cửa thị trường với các đối tác lớn, Việt Nam cần hiện thực hóa chiến lược thu hút có chọn lọc FDI để chủ động kêu gọi “đại bàng”, “sếu đầu đàn” làm tổ, bởi đã qua thời Việt Nam kêu gọi thu hút FDI bằng mọi giá. Chỉ cần một dự án lớn, có tác động lan tỏa, chúng ta sẽ đón được nhiều hơn nữa các dự án lớn, làm thay đổi nhận thức của thế giới về chiến lược thu hút FDI của Việt Nam trong thời đại mới.

Bên cạnh đó, để chủ động thu hút FDI khi thế giới bước vào chu kỳ hồi phục mới sau đại dịch, Việt Nam cần nhanh chóng cải cách thủ tục hành chính bằng số hóa, điện tử hóa; đổi mới tư duy, chủ động đào tạo lại lao động, nhân lực theo yêu cầu thực tế, có như vậy mới thực sự cạnh tranh, hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên đề