Tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên |
Bên lề Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nobel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike. Ông Nobel Kinder thông báo toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do Covid-19 đã quay lại sản xuất. Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Trong các cuộc làm việc khác của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ ngày 31/10/2021 đến 2/11/2021, AstraZeneca sẽ đầu tư khoảng 2 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm của Việt Nam. Khoản đầu tư mới này nối tiếp khoản đầu tư trị giá 5 nghìn tỷ đồng (220 triệu USD) của AstraZeneca vào Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2024 được công bố vào năm 2019. Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Rolls-Royce ký kết thoả thuận cung cấp động cơ và dịch vụ động cơ cho đội tàu bay thân rộng với tổng giá trị 400 triệu USD. Chủ tịch Ngân hàng Standard Chartered cam kết duy trì hoạt động lâu dài, đề xuất một số nội dung hợp tác tại Việt Nam để tham gia sâu hơn trong lĩnh vực bảo hiểm, thương mại, dịch vụ, bán lẻ; thúc đẩy thu hút FDI. Standard Chartered cam kết đầu tư 8 tỷ USD phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới và hỗ trợ công nghệ với các đối tác Việt Nam. Chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Pacific Land thì mong muốn xây dựng một trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học lớn tại Việt Nam. Nhiều thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp giữa Việt Nam và Anh trị giá hàng tỷ USD cũng đã được ký kết.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn năng lượng Điện gió Orsted cho biết, đã nghiên cứu kỹ và khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn, cơ hội, lợi thế cạnh tranh cao cho phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió. Không những thế, Việt Nam có cơ chế, môi trường đầu tư thông thoáng, nguồn nhân lực có chất lượng, con người năng động, sáng tạo và thân thiện; hệ thống logistics phát triển... Lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn khác cũng tin tưởng và mong muốn tiếp tục đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến làm việc tại Hoa Kỳ từ ngày 21 đến 24/9 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nhiều hợp đồng hợp tác, biên bản ghi nhớ trị giá hàng tỷ USD của doanh nghiệp hai nước cũng đã được ký kết.
Thực tế số liệu thu hút FDI 10 tháng của Việt Nam cho thấy nhà đầu tư vẫn tin tưởng hoạt động tại Việt Nam và mở rộng đầu tư. Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/10/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục tăng. Số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, song mức giảm đã được cải thiện so với 9 tháng. Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn tăng trong 10 tháng năm 2021.
Doanh nghiệp ĐTNN vẫn hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục tăng, xuất siêu 21,2 tỷ USD kể cả dầu thô. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án ĐTNN trong 10 tháng giảm nhẹ so với 9 tháng. Tuy nhiên, Cục ĐTNN nhận định, đại dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới của đại dịch. Các doanh nghiệp đã dần khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự kiến vốn đầu tư thực hiện sẽ cải thiện hơn trong các tháng cuối năm.
Trong nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với những khó khăn vừa qua của các nhà ĐTNN tại Việt Nam do tác động của dịch bệnh, khẳng định Chính phủ đang tiếp tục tập trung thúc đẩy xây dựng thể chế, cải cách hành chính phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ĐTNN đầu tư, kinh doanh hiệu quả, thành công, bền vững, lâu dài tại Việt Nam, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.