Kỳ vọng “đòn bẩy” hỗ trợ lãi suất vận hành hiệu quả và linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói hỗ trợ lãi suất có mục đích giúp những doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành nghề chịu tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 tiếp cận được nguồn tín dụng với chi phí tài chính thấp hơn thị trường, nhờ đó duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động.
Việc đưa ra quá nhiều quy định, thủ tục khiến đối tượng thật sự cần chưa chắc tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Nhã Chi
Việc đưa ra quá nhiều quy định, thủ tục khiến đối tượng thật sự cần chưa chắc tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, ám ảnh sợ sai của hệ thống ngân hàng, sự ngại ngần chi phí thủ tục của DN có thể khiến “đòn bẩy” từ gói hỗ trợ lãi suất không đạt hiệu quả về quy mô giải ngân. Mặc dù thế, vẫn cần ưu tiên giám sát để dòng vốn đến đúng địa chỉ thay vì chạy theo tiến độ giải ngân trong “thang điểm” đánh giá hiệu quả thực thi chính sách này.

Hai mặt của chính sách

Chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN là chính sách phối kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ hướng đến kích thích đầu tư của khu vực DN với một lượng ngân sách tương đối hạn chế làm đòn bẩy. Nếu thành công, chính sách này sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế với chi phí thấp so với các chính sách kích thích kinh tế thuần tuý tài khoá.

Chính sách hỗ trợ lãi suất đã được các chính phủ sử dụng từ lâu. Ở các nước phát triển, chính sách hỗ trợ lãi suất thường hướng vào những đối tượng cụ thể như trợ giúp cho sinh viên học tập, nông dân sản xuất nông sản, người dân mua nhà, hay cho các DN xuất khẩu, các DN vừa và nhỏ hoặc các DN lớn gặp khó khăn về tài chính.

Chẳng hạn trong giai đoạn 1980 - 1987, Mỹ đã dành ra 1.200 tỷ USD cho các chương trình trợ cấp tín dụng; Cộng đồng chung châu Âu dành 12,7 tỷ Euro trong giai đoạn 1995 - 1999 để hỗ trợ 55.000 DN vừa và nhỏ. Với các nước đang phát triển, chính sách hỗ trợ lãi suất còn được áp dụng để khuyến khích đầu tư và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa...

Năm 2009, để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam đã từng thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 4%. Gói hỗ trợ này đã có tác động tích cực làm thay đổi về lao động và vốn của các DN.

Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy, đã có tình trạng tín dụng “rò rỉ” từ các khoản vay dễ dãi để bình ổn kinh tế sang các thị trường tài sản, gây ra những hệ quả ngoài mong muốn về ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những DN có nhu cầu thực sự vay vốn hỗ trợ lãi suất để chống đỡ với tình hình kinh tế khó khăn, một số DN có điều kiện tiếp cận khoản vốn này lại không có nhu cầu thực sự vì bản thân họ đã có đủ lượng vốn cần thiết.

Trong trường hợp sau, nếu DN muốn huy động vốn cho một hoạt động phi sản xuất, họ có thể sử dụng vốn hỗ trợ lãi suất để kinh doanh (và do đó bảo đảm các tiêu chí hợp lệ khi thực hiện khoản vay), đồng thời chuyển phần vốn tự có của mình vào mục đích đầu cơ tài sản ngắn hạn. Hoặc trong một số trường hợp, DN có thể đứng tên để vay hỗ trợ lãi suất, nhưng khoản vay sẽ được chuyển cho một đối tượng khác có quan hệ thân thiết với DN. Với cơ chế như vậy, một phần vốn sẽ chảy vào thị trường tài sản, nhờ sự hỗ trợ của các khoản tín dụng ưu đãi lãi suất.

Như vậy, có thể nói, bên cạnh tác động tích cực, nhanh chóng của chính sách hỗ trợ lãi suất tới DN, và do đó góp phần bồi đắp nền móng cho nền kinh tế, thì cũng có những tác động tiêu cực làm tăng rủi ro vĩ mô của nền kinh tế, như hình thành bong bóng tài sản, áp lực giảm giá đồng tiền, qua đó lan tỏa rủi ro vào hệ thống tài chính và thương mại.

Tránh tình trạng “cố quá”

So với gói hỗ trợ lãi suất đã thực hiện năm 2009, gói hỗ trợ dự kiến theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có một số điểm khác biệt. Điểm thấy rõ từ chủ trương đến thực hiện của gói hỗ trợ lần này là thận trọng hơn với mong muốn gói hỗ trợ sẽ đưa đến đúng đích và hạn chế các tác động tiêu cực với thị trường và cả hệ thống ngân hàng.

Mức độ hỗ trợ lãi suất năm 2009 lên đến 4% trong khi con số hiện nay chỉ 2%. Như vậy, mức hưởng lợi của năm 2009 cao hơn, khiến động lực tìm kiếm để nhận được nguồn vốn vay này cao hơn nhiều so với hiện tại. Phạm vi và đối tượng hỗ trợ của gói hỗ trợ hiện nay cũng nhỏ hẹp hơn.

Với định hướng đó, dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất nêu rõ đối tượng được hưởng chính sách là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành: hàng không; vận tải, kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.

Một nhóm DN khác cũng thuộc chương trình này là: có mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.

Đến thời điểm hiện nay, Nghị quyết 11 đã được ban hành gần 3 tháng song Nghị định và thông tư hướng dẫn nội dung này vẫn chưa được ban hành. Điều này là dễ hiểu bởi cả Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đang và sẽ thận trọng trong việc thực hiện chính sách.

Trên một số phương diện, việc đưa ra quy định và hướng dẫn chặt chẽ có thể giúp đến đúng đối tượng nhưng một hệ quả khác là có thể dẫn đến việc đối tượng được tiếp cận, thỏa mãn điều kiện cũng sẽ giảm đi. Điều này có thể thấy rõ từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/2020/NQ-CP. Với quá nhiều điều kiện và tiêu chí yêu cầu, nên gói này giải ngân rất chậm. Tình trạng này có thể lặp lại ở gói hỗ trợ lãi suất lần này, ám ảnh sợ sai và rủi ro có thể khiến việc đặt quá nhiều quy định, thủ tục, yêu cầu giấy tờ chứng minh khiến đối tượng thật sự cần chưa chắc đã có thể tiếp cận được.

Mặt khác, với quá nhiều điều kiện, quá trình xét duyệt lâu dài thì nhiều DN đặt câu hỏi: “không biết bao giờ mới giải ngân được?”. Do đó, thay vì trông chờ gói hỗ trợ mà mất cơ hội kinh doanh, nhiều DN có thể vẫn chấp nhận vay thương mại với các tiêu chuẩn như bình thường. Việc yêu cầu chặt chẽ quá có thể dẫn đến tốn kém nguồn lực, làm gia tăng chi phí thực hiện với các ngân hàng thương mại nên họ cũng không mặn mà. Như vậy, rất có thể xảy ra trường hợp cả DN và ngân hàng đều không hăng hái thực thi, cuối cùng có thể mục tiêu giải ngân không đạt được.

Kể cả trong Tờ trình Dự thảo Thông tư hướng dẫn nội dung này, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu một số thách thức của việc thực thi chính sách này là: “Nhà nước khó có thể kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ nên có thể xảy ra nguy cơ trục lợi chính sách (như cung cấp thông tin, hồ sơ không trung thực để thuộc đối tượng hưởng ưu đãi); tổ chức tín dụng có thể có tâm lý không muốn triển khai chương trình do một số hệ lụy từ triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất trước đây (một số khoản cho vay đã bị cơ quan công an điều tra), dẫn tới khả năng hấp thụ và hiệu quả, kết quả chương trình có thể không như kỳ vọng”.

Với thực tế đó, các quy định về nguyên tắc, đối tượng, điều kiện áp dụng tại các văn bản hướng dẫn thực thi cần hết sức rõ ràng, cụ thể. Yêu cầu về thẩm định hồ sơ và giám sát để đến đúng địa chỉ là cần thiết song không nên quá nhiều thủ tục. Bên cạnh đó, không đặt áp lực phải hoàn thành khối lượng giải ngân để tránh tình trạng “cố quá” mà dẫn đến những tiêu cực. Mặt khác, cần thực hiện việc đánh giá hiệu quả sau từng giai đoạn thực thi, nếu thấy hiệu quả không cao có thể chuyển nguồn lực này sang gói hỗ trợ tài khóa khác, chẳng hạn tiếp tục giảm sâu thêm thuế, phí cho DN thuộc những ngành nghề chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Chuyên đề