Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Bàn quyết sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp diễn đà giảm tốc từ quý IV/2022, tình hình kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2023 đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ dành thời gian để lắng nghe, trao đổi, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế thế giới có những biến động nhanh, mạnh, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đã tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Kinh tế thế giới có những biến động nhanh, mạnh, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đã tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đối mặt với những cơn gió ngược

Tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra cuối tuần trước, bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế (UBKT) của Quốc hội thông tin, ở kỳ họp này, Ủy ban sẽ thực hiện thẩm tra báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 và kết quả những tháng đầu năm 2023; đề xuất những giải pháp để đạt được mục tiêu phát triển KTXH năm nay cũng như kế hoạch 5 năm.

Bà Yến cho biết, kinh tế thế giới có những biến động nhanh, mạnh, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đã tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam. Những yếu tố này đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là từ quý IV/2022 đến nay.

Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5/2023 công bố ngày 19/5/2023 cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” khi nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu (XK), dẫn đến sản xuất công nghiệp suy giảm. Theo WB, so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2023 giảm lần lượt 17,1% và 20,5%. Điều này phản ánh sức mua toàn cầu suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU, khi đây là một trong những thị trường XK trọng điểm của Việt Nam.

Theo WB, có những tín hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang chậm lại bất chấp các hoạt động nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3, thanh khoản thị trường tiền tệ dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng tháng 4 vẫn giảm.

Trước đó, trong Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023 của UBKT mới đây, các cơ quan đều nhận định, diễn biến bất lợi, khó lường của môi trường kinh doanh quốc tế tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước. Đặc biệt, diễn biến này đang gây áp lực điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Bộ Công Thương thông tin, 4 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó XK giảm 11,8%, nhập khẩu giảm 15,4%. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trăn trở, trong bối cảnh hiện nay, xuất siêu 4 tháng tăng cao chưa hẳn là tín hiệu mừng. Điều này chứng tỏ các DN không có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu về để sản xuất, do nhu cầu hàng hóa giảm sút.

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025. Ảnh: Internet

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025. Ảnh: Internet

Cần nhiều nỗ lực để vượt khó

Theo bà Phạm Thị Hồng Yến, DN Việt Nam, nhất là DN xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, các thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam đều đang thay đổi quy trình liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, thị trường châu Âu hiện đưa toàn bộ yêu cầu đối với hàng hóa đáp ứng xuất xứ để không làm ảnh hưởng tới môi trường, rừng… Một thị trường XK quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn đối với Việt Nam lâu nay là Trung Quốc cũng yêu cầu hàng hóa phải chuyển mạnh sang XK chính ngạch, phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy tắc xuất xứ hàng hóa.

“Nếu những hàng hóa XK của ta không đáp ứng các yêu cầu mới trên thì không vào được thị trường”, bà Yến cảnh báo.

Không những thế, bà Yến còn nhấn mạnh, nền kinh tế cũng đang trong quá trình tái cơ cấu theo hướng đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tri thức… Theo đó, bà Yến khuyến nghị, mỗi DN cần phải thực hiện tái cơ cấu hoạt động đầu tư kinh doanh để đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế và thị trường.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường vụ Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội thì nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy đầu tư công nhằm tạo đột phá, lan tỏa thúc đẩy phát triển KTXH.

Nhấn mạnh năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; đồng thời “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, để đạt mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế, UBKT của Quốc hội nhấn mạnh việc cần thiết phải thực hiện hiệu quả các giải pháp đã có, đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tiếp tục các giải pháp ổn định tâm lý nhà đầu tư tài chính và thúc đẩy tiêu dùng…, với quyết tâm cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chuyên đề