Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: Cẩn trọng với những thách thức, rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, các tổ chức quốc tế và giới chuyên gia cho rằng, cần thận trọng, ứng phó linh hoạt và kịp thời với các thách thức và rủi ro từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm nay và những năm tiếp theo.
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cầu trong nước và đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cầu trong nước và đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Nhóm công tác của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo đánh giá về kinh tế vĩ mô của Việt Nam với nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến ở mức 6% nhờ nỗ lực “bình thường mới” và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai.

Báo cáo nêu rõ, các chỉ báo kinh tế cho thấy động lực hồi phục mạnh mẽ từ đà tăng của chỉ số bán lẻ hàng hóa, sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp. Chính sách tài khóa được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục ứng phó linh hoạt với rủi ro lạm phát. Nhóm nghiên cứu đánh giá cao việc thực thi chính sách phù hợp nhằm ứng phó với tác động của đại dịch đồng thời duy trì ổn định vĩ mô.

Nhóm công tác của IMF nhận định, dù chặng đường hồi phục kinh tế mạnh mẽ, song còn nhiều điểm “gập ghềnh” do tình trạng thiếu hụt lao động tại doanh nghiệp, tổn thương của khu vực tài chính dần hiện rõ và các thách thức về cơ cấu kinh tế.

Theo IMF, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo và điều chỉnh theo diễn biến của sự hồi phục kinh tế. Chính sách tiền tệ cần nhanh chóng thích ứng với rủi ro lạm phát; chú trọng giám sát và kịp thời xử lý nợ xấu và các rủi ro của thị trường bất động sản. Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. Việc cần ưu tiên là tăng kỹ năng của lực lượng lao động, thúc đẩy chuyển đổi số, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, Ngân hàng HSBC đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP 7,7% trong quý II/2022 của Việt Nam là một kết quả ấn tượng từ sự hồi phục rõ nét của ngành dịch vụ, sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo HSBC, ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đang ngày càng rõ ràng hơn. Một mặt, giá cả hàng hóa leo thang đã dẫn đến thâm hụt thương mại trong quý II và có thể khiến tình hình tài khoản vãng lai vốn không được khả quan sẽ trầm trọng hơn. Mặt khác, dù cho tiêu dùng gia đình đã phục hồi vững chắc, giá dầu cao có thể khiến túi tiền của người dân vơi đi nhiều, làm giảm tốc độ hồi phục. Áp lực giá cả đã bắt đầu thể hiện, mặc dù vẫn ở mức độ có thể kiểm soát được so với các quốc gia khác trong khu vực. HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,9% trong năm 2022 và đạt mức 6,3% năm 2023.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cầu trong nước và đầu tư công. Tuy nhiên, các yếu tố này đều phải đối mặt một số thách thức nhất định.

Theo đó, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu sẽ chịu nhiều áp lực từ lạm phát cũng như những biện pháp thắt chặt tiền tệ. Sức cầu trong nước có thể vẫn trên đà hồi phục, song lạm phát hiện hữu cũng khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro; chi phí tăng cao khiến một loạt lĩnh vực như chăn nuôi, đánh bắt, vận tải… chật vật duy trì.

Bên cạnh đó, việc chậm trễ triển khai các chương trình hỗ trợ phục hồi và giải ngân đầu tư công không đạt tiến độ khiến chi phí gia tăng trong khi tác động kỳ vọng ban đầu sẽ giảm đi rõ rệt.

“Cần tiếp tục chính sách sống chung với Covid-19 nhưng không chủ quan. Bên cạnh đó, cần lưu ý các biến động trên thế giới nói chung và sự suy giảm kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng khá trực tiếp đến Việt Nam. Đồng thời, các phản ứng chính sách nên chăng cần sớm được công bố và có lộ trình, tránh đột ngột, can thiệp quá nhanh và mạnh bằng các biện pháp hành chính gây sốc cho thị trường và niềm tin vào môi trường kinh doanh. Có như vậy mới bảo đảm sự phục hồi bền vững, vừa kiểm soát được các lĩnh vực tăng trưởng nóng, nhưng cũng không tạo ra các rủi ro đổ vỡ thị trường, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu và đổ vỡ hệ thống tài chính”, ông Việt nhấn mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc. Tuy nhiên, cần triển khai đồng bộ và quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để duy trì đà tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.

Đồng thời, theo ông Lực, cần kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát với chính sách tài khóa chặt chẽ, thích ứng và chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách. Quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư hạ tầng giúp tăng năng lực phục hồi trước mắt và động lực phát triển bền vững lâu dài.

Chuyên đề