Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc ngày 13/7. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tính từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã hồi phục tốt hơn dự kiến bất chấp các quan điểm cho rằng sự kiểm soát chặt chẽ các hình thức tài trợ có tính chất rủi ro hơn và một loạt biện pháp nhằm hạ nhiệt giá nhà ở sẽ kéo lùi hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế tiếp tục cho rằng đà tăng trưởng sẽ chậm lại trong những tháng tới do chi phí cho vay cao hơn, hoạt động giao dịch bất động sản bị kiềm chế và chính phủ đóng cửa một số nhà máy gây ô nhiễm môi trường nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trong mùa Đông. Lực đẩy từ chương trình kích thích kinh tế mạnh mẽ của Bắc Kinh, trong đó có nhiều khoản chi dành cho hạ tầng đã tiếp lực cho giai đoạn bùng nổ xây dựng trong nhiều năm qua, cũng sẽ bắt đầu giảm đi.
Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò do hãng tin Anh Reuters thực hiện dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang bước vào quý 4 với nhiều động lực theo sau các số liệu tháng Chín sắp được công bố. Theo đó, sản lượng công nghiệp được dự đoán tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư vào tài sản cố định được cho là đã tăng 7,7% trong ba quý của năm so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc có thể lên tới hơn 10%.
Hoạt động thương mại của Trung Quốc cũng được dự đoán cải thiện sau các số liệu kém hơn dự kiến trong tháng Tám đã làm dấy lên các nghi ngại về tính bền vững của nhu cầu nội địa và nhu cầu xuất khẩu.
Các nhà kinh tế cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc có thể tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi mức tăng trong xuất khẩu có thể là 13,5%, dẫn đến thặng dư thương mại khoảng hơn 39 tỷ USD.
Các ngân hàng Trung Quốc đã cấp thêm 1.100 tỷ nhân dân tệ (hơn 165 tỷ USD) khoản cho vay mới trong tháng Chín, tăng so với mức 1.090 tỷ nhân dân tệ trong tháng Tám. Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng sẽ được đẩy lên trong những tháng tới sau khi Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) cuối tuần qua đã lần đầu tiên kể từ tháng 2/2016 giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại.
Theo lịch trình, Trung Quốc sẽ công bố số liệu về dự trữ ngoại hối vào ngày 7/10, tiếp theo đó là số liệu về thương mại (ngày 13/10), số liệu lạm phát (ngày 16/10). Số liệu về nợ và tiền tệ dự kiến được công bố từ ngày 10-15/10.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% trong nửa đầu năm nay, hiện được dự đoán sẽ đạt thậm chí là vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm của chính phủ là 6,5%./.