Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân, tạo tác động tăng cầu nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Ảnh: Song Lê |
Theo số liệu mới nhất vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi đến Chính phủ, đến ngày 24/4/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,66% so với cuối năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 6,75% so với cuối năm 2021.
Quan sát từ thị trường cho thấy, năm 2023, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức đã thực hiện của năm ngoái. Các ngân hàng gồm BIDV, MB Bank, HDBank, TPBank, Sacombank, EximBank đã giảm tỷ lệ tăng trưởng tín dụng kế hoạch năm 2023 ở mức từ 0,2 đến 10,4 điểm % so với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đã thực hiện của năm 2022.
Tại Báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2023 mới đây, NHNN cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
NHNN đã có công văn thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) và tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng để tăng cường cho vay không có bảo đảm bằng tài sản...
Đến ngày 24/4/2023, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,66% so với cuối năm trước. Ảnh: Lê Tiên |
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngay những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa dư địa của chính sách tiền tệ. Đó là: đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho từng TCTD và thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng; hai lần giảm lãi suất điều hành; ban hành chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ. “NHNN đã sử dụng tất cả các công cụ có thể để tác động đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nhưng không có đầu tư mạnh mẽ thì rất khó để tín dụng tăng trưởng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhiều giải pháp hỗ trợ kích cầu cho nền kinh tế, đặc biệt các chính sách hỗ trợ về tín dụng và lãi suất đang được triển khai, hiệu quả chính sách sẽ rõ nét hơn trong thời gian tới. Mặt khác, sự hồi phục sức cầu trong nền kinh tế còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, lạm phát cao, cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh giảm, chưa thể mong sức cầu tại Việt Nam sẽ phục hồi trong thời gian ngắn.
Theo ông Lực, về cơ bản, cách thức điều hành các chính sách hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ tín dụng đang đi đúng hướng. “NHNN cũng đã cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, cần xem xét sớm cấp thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng có năng lực giải ngân tốt. Mức tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm nay chỉ là con số định hướng chứ không phải là mục tiêu bắt buộc phải đạt được. Thay vào đó, điều quan trọng là đảm bảo kiểm soát chất lượng tín dụng để dòng vốn ngân hàng hỗ trợ hiệu quả nhất cho nền kinh tế”, ông Lực nói.
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 2,66% đến cuối tháng 4 năm nay phản ánh thực chất sức cầu rất yếu của nền kinh tế nước ta, nhiều doanh nghiệp hiện không có đơn hàng hoặc rơi vào tình trạng khó khăn sâu nên không có nhu cầu hoặc có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện để vay vốn.
Đánh giá của ông Thành cũng tương tự góc nhìn từ NHNN. Đó là sau thời gian dài nền kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đẩy lên cao hơn, nhiều doanh nghiệp không chứng minh được hiệu quả trong kế hoạch kinh doanh, dẫn tới việc các TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay vốn. Bản thân các TCTD không thể hạ chuẩn tín dụng vì lý do an toàn hệ thống… Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn/hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, như nhóm DNNVV, nhóm bất động sản…
Dù đã có một số chương trình hỗ trợ tín dụng, các chính sách giãn nợ, chưa chuyển nhóm nợ, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp…, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, chưa đủ để vực dậy được hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Điều các doanh nghiệp cần nhất lúc này là kích cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp thì Nhà nước cần đẩy mạnh các chính sách kích cầu, xúc tiến thương mại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. “Quan trọng hơn, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công để hồi sinh hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp tư nhân, tạo tác động tăng cầu nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng để nền kinh tế đạt các mục tiêu đã định”, ông Thành nhấn mạnh.