Giới đầu tư dầu lửa hiện đang chờ cuộc gặp giữa quan chức Nga và Saudi Arabia tại thượng đỉnh khối G20 vào cuối tuần này và cuộc họp OPEC vào tuần tới. |
Cách đây mới 2 tháng, nhiều nhà dự báo còn tin chắc mốc giá 100 USD/thùng dầu sắp quay trở lại. Nhưng sau một cú đảo chiều chóng mặt, giá dầu hiện đã tụt về vùng 50 USD/thùng.
Vậy sự thay đổi này của giá dầu có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thế giới?
Những nước nhập khẩu dầu lửa như Ấn Độ và Nam Phi sẽ hưởng lợi, trong khi những nước sản xuất dầu lửa như Nga và Saudi Arabia sẽ thiệt hại. Các ngân hàng trung ương trước đây chịu áp lực nâng lãi suất sẽ không còn phải đối mặt với sức ép lớn nữa, trong khi những ngân hàng trung ương muốn kích thích lạm phát như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lại gặp khó.
Theo hãng tin Bloomberg, mức độ tác động của giá dầu đối với kinh tế thế giới sẽ tùy thuộc nhiều vào nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu - yếu tố vốn đang chịu sức ép suy giảm từ đồng USD mạnh lên và xung đột thương mại toàn cầu - và cách thức phản ứng của các quốc gia sản xuất dầu.
Saudi Arabia hiện đang đứng giữa một bên là Nga - đồng minh trong việc quản sản lượng khai thác dầu để hỗ trợ giá dầu, và một bên là Tổng thống Donald Trump với những dòng trạng thái Twitter đòi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không được để giá dầu tăng.
Giới đầu tư dầu lửa hiện đang chờ cuộc gặp giữa quan chức Nga và Saudi Arabia tại thượng đỉnh khối G20 vào cuối tuần này để xem hai bên có đạt một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng. Tiếp đó, cuộc họp của OPEC và đối tác, gồm Nga, sẽ diễn ra vào tuần tới, và cắt giảm sản lượng dầu hay không cũng sẽ là chủ đề chính.
Mùa đông đang đến ở bán cầu Bắc, nên giá dầu giảm sẽ là tin vui đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp giữa lúc nền kinh tế giảm tốc. Các quốc gia nhập khẩu ròng dầu và có thâm hụt tài khoản vãng lai như Nam Phi sẽ hưởng lợi nhiều từ việc giá dầu giảm.
Trung Quốc cũng là một trong số những nước hưởng lợi từ việc dầu thô rẻ đi, bởi nước này là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và hiện đang đối mặt với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những khó khăn trong nước.
Giá dầu giảm đồng nghĩa với áp lực lạm phát giảm, và ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế có mức lạm phát cao sẽ không còn phải đối mặt với nhiều sức ép tăng lãi suất nữa. Giá dầu sụt giảm được xem như một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Ấn Độ, bởi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBA) có thể tạm dừng việc nâng lãi suất.
Theo phân tích của Capital Economics, cứ mỗi 10 USD giảm xuống trong giá của 1 thùng dầu, thì tổng sản phẩm trong nươc (GDP) của các nền kinh tế mới nổi nhập khẩu nhiều dầu sẽ tăng thêm 0,5-0,7%. Trong khi đó, mức giảm giá dầu tương tự sẽ gây hao hụt GDP 3-5% đối với các quốc gia vùng Vịnh và 1,5-2% đối với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Nigeria.
Đối với kinh tế Mỹ, ông Trump từng gọi sự giảm giá của dầu tương đương với một chương trình cắt giảm thuế. Tuy nhiên, việc Mỹ ngày càng giảm phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng bùng nổ sẽ làm giảm bớt những tác dụng tích cực của giá dầu giảm ở cấp độ ngành công nghiệp trong nền kinh tế nước này.