Kinh tế 2019: Triển vọng bứt phá thành công

(BĐT) - Ngay trong ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm sau đã được lãnh đạo Chính phủ báo cáo Quốc hội.
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 không chỉ đạt kết quả cao trên 6,8%, mà chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động tiếp tục được cải thiện. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng kinh tế năm 2019 không chỉ đạt kết quả cao trên 6,8%, mà chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động tiếp tục được cải thiện. Ảnh: Lê Tiên

Từ số liệu báo cáo của Chính phủ có thể khẳng định, 2019 là năm bứt phá thành công, tạo đà cho năm 2020 về đích kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Đánh giá bước đầu của lãnh đạo Quốc hội, cơ quan thẩm tra ghi nhận, đây là kết quả phát triển ấn tượng đạt được trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường nhưng kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2019 tiếp tục đạt những kết quả khá toàn diện, tăng trưởng đạt khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, an sinh xã hội được quan tâm bảo đảm, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. “Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao; tạo cơ sở vững chắc để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016 - 2020”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận.

Thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam trong năm 2019 có những chuyển biến tích cực, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra.

Trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã chỉ rõ nhiều chuyển biến rõ nét về chất lượng tăng trưởng, những động lực tạo nên kết quả tăng trưởng ấn tượng của năm 2019. Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế không chỉ đạt kết quả cao trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới, mà chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động tiếp tục được cải thiện.

Cụ thể, năng suất lao động tăng 5,9%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 42,7%. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng; đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng. Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, vững chắc, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, tiền tệ và tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt và duy trì ổn định phù hợp; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 73 tỷ USD. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng từ BB- lên BB với triển vọng tích cực. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước tăng lên 45,3%. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 9 tháng đạt 14,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm, xuất khẩu vẫn tăng khoảng 7,9%.

Trao đổi bên lề, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, động lực cho tăng trưởng khá vững chắc, với sự phát triển đồng đều của tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ.

Trên đà phát triển của năm 2019, năm 2020 - năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, Chính phủ xác định mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%... Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu tổng quát hàng đầu của năm 2020 là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát…

“Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2020 là rất nặng nề. Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành không lùi bước trước khó khăn, thách thức, hành động quyết liệt, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân những hạn chế có cả khách quan và chủ quan, nhưng trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cử tri và nhân dân đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát; xử lý nghiêm tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn đối với người dân và doanh nghiệp; minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công; thực hiện phân cấp, giao quyền, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát các dự án đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông.

Chuyên đề