Kiều hối toàn cầu có thể đạt 700 tỷ USD trong 2018

Ấn Độ được dự báo sẽ là quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới 2018, với khoảng 80 tỷ USD...
Dòng kiều hối toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.
Dòng kiều hối toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2019.

Dòng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự báo tăng khoảng 11% trong năm nay, đạt kỷ lục 528 tỷ USD - hãng tin Bloomberg dẫn Báo cáo Di cư và Phát triển mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay.

Năm ngoái, dòng kiều hối chảy vào các quốc gia này tăng 7,8%.

Nếu tính cả lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập cao, thì kiều hối toàn cầu sẽ đạt khoảng 700 tỷ USD trong năm nay và sẽ tăng 3,7% lên mức 715 tỷ USD trong năm tới.

Trong năm 2019, kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có khả năng chỉ tăng khoảng 4%, theo báo cáo.

"Tốc độ tăng trưởng kiều hối trong thời gian tới có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu giảm, chính sách nhập cư siết chặt, và sự tăng trưởng kinh tế yếu đi", ông Michal Rutkowski, Giám đốc cấp cao của WB về bảo trợ xã hội và việc làm toàn cầu, phát biểu.

Nền kinh tế tăng trưởng vững và thị trường việc là khả quan ở Mỹ là một động lực chính của tăng trưởng kiều hối toàn cầu năm nay, theo báo cáo. Trong đó, lợi ích nhiều nhất thuộc về các nước ở Mỹ Latin, Caribbean, Nam Á và tiểu sa mạc Sahara ở châu Phi.

Ấn Độ được dự báo sẽ là quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới 2018, với khoảng 80 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 67 tỷ USD, Mexico và Philippines vơi 34 tỷ USD mỗi nước, và Ai Cập nhận 26 tỷ USD.

Trong số các khu vực, Đông Á và Thái Bình Dương sẽ là khu vực nhận nhiều kiều hối nhất năm nay, đạt khoảng 142 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm ngoái. Tiếp đó là Nam Á nhận 132 tỷ USD, tăng 13,5%.

Các nước Mỹ Latin và Caribbean được dự báo nhận 87 tỷ USD kiều hối năm 2018, trong khi lượng kiều hối chảy vào các nước châu Âu và Trung Á có thể đạt 63 tỷ USD, tăng 20%.

Báo cáo của WB cũng cho biết mức phí trung bình toàn cầu để gửi 200 USD kiều hối về nước là 6,9%, cao hơn gấp đôi mức mục tiêu 3% đề ra trong Chương trình Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc như một thước đo để giảm bất bình đẳng.

Chuyên đề