Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen - Ảnh: BBC. |
Nếu vấn đề trần nợ quốc gia của Mỹ không được giải quyết kịp thời, Washington sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ chưa từng có tiền lệ, có khả năng dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế và thậm chí khủng hoảng tài chính. Trong lúc các nghị sỹ Mỹ tiếp tục tranh cãi, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này, bà Janet Yellen, đã tỏ thái độ hết sức sốt ruột.
Trong một cảnh báo đưa ra ngày 5/10, bà Yellen nói rằng bà tin nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ rơi vào suy thoái nếu Quốc hội không nâng hoặc đình chỉ trần nợ quốc gia trước thời hạn 18/10.
“Tôi thực sự tin rằng ngày 18/10 là một hạn chót. Sẽ là một thảm hoạ nếu các hoá đơn của Chính phủ không được thanh toán. Nước Mỹ sẽ rơi vào một vị thế không có tiền để trả các hoá đơn của Chính phủ”, bà Yellen nói với hãng tin CNBC.
Không chỉ bà Yellen mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sốt ruột. Hôm thứ Hai, ông Biden kêu gọi Quốc hội nâng trần nợ ngay trong tuần này để tránh những biến động kinh tế không đáng có. Ông đổ lỗi cho các nghị sỹ Cộng hoà và thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, dùng tranh luận không giới hạn (filibuster) để ngáng đường một dự luật nâng trần nợ.
“Tôi cũng thực sự tin rằng suy thoái sẽ xảy ra” nếu trần nợ không được nâng hoặc đình chỉ - bà Yellen nói ngày 5/10.
Suốt mấy tuần qua, bà Yellen đã cảnh báo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Chuck Summer - đều là người của Đảng Dân chủ cầm quyền - rằng nước Mỹ sẽ mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ nợ vào khoảng ngày 18/10. Nếu vấn đề trần nợ không được giải quyết êm thấm trước thời hạn này, Chính phủ Mỹ sẽ lần đầu tiên trong lịch sử rơi vào cảnh vỡ nợ.
Bộ Tài chính Mỹ hiện đã sử dụng các biện pháp khẩn cấp bất thường để thanh toán các hoá đơn của Chính phủ kể từ khi nợ công của Mỹ đạt mức kịch trần 24,8 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 7. Các biện pháp bất thường cho phép Bộ Tài chính Mỹ bảo tồn tiền mặt và rút tiền từ một số tài khoản nhất định mà không phải phát hành trái phiếu mới.
Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng tạm thời và được dự báo sẽ chỉ có thể kéo dài đến giữa tháng 10 – theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ.
Từ trước tới nay, Chính phủ Mỹ chưa bao giờ mất khả năng thanh toán các hoá đơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng một vụ vỡ nợ của Washington sẽ gây tổn thất trên diện rộng do đẩy lãi suất tăng vọt, làm sứt mẻ niềm tin vào năng lực tài chính của Chính phủ Mỹ, và có khả năng làm chậm thanh toán tiền anh sinh xã hội của khoảng 50 triệu người cao tuổi. Các binh sỹ quân đội Mỹ cũng có thể bị chậm lương khi Chính phủ vỡ nợ.
Khủng hoảng trần nợ Mỹ cũng có thể khiến một số quốc gia cắt giảm nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, gây suy yếu đồng USD, từ đó có thể tạo lợi thế cho Trung Quốc trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới thay cho đồng USD.
“Trái phiếu kho bạc Mỹ từ lâu được coi là tài sản an toàn nhất trên thế giới”, bà Yellen nói. “Đó một phần là bởi địa vị đồng tiền dự trữ của USD. Nếu sự an toàn đó bị nghi ngờ bởi Chính phủ Mỹ không thanh toán được hoá đơn tới hạn, thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp”.
Các nghị sỹ thuộc cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ cũng thừa hiểu việc giải quyết vấn đề trần nợ quan trọng như thế nào, nhưng hai bên vẫn còn một khoảng cách rất lớn trước khi có thể đạt một thoả thuận. Bất đồng của hai bên nằm ở việc trần nợ nên được nâng như thế nào, và cả hai đều sử dụng trần nợ như một “quân bài” chính trị.
Phe Cộng hoà – những người chỉ trích điều mà họ cho là thói chi tiêu quá đà của những người Dân chủ - nói rằng ông Biden, bà Pelosi và Schumer phải giải quyết vấn đề bằng cách dừng các chính sách xã hội tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD. Đảng Cộng hoà tin rằng nếu Chính phủ vỡ nợ, Đảng Dân chủ sẽ hứng sự chỉ trích bởi họ là những người nắm cả Nhà Trắng và Quốc hội. Đây là một phần trong chiến lược của đảng này để chuẩn bị cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022.
Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, từ năm 1960 đến nay, Quốc hội nước này đã nâng hoặc đình chỉ trần nợ 78 lần, mà lần gần đây nhất là vào năm 2019. Những lần Chính phủ Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ thường không đi kèm với nhiều kịch tính, nhưng cuộc chiến về trần nợ và thâm hụt ngân sách vào năm 2011 đã dẫn tới việc tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ điểm tín nhiệm của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử.