Không nhất quán khi loại bớt chi phí của đại lý bảo hiểm?

(BĐT) - Trong một số cuộc thanh, kiểm tra gần đây, Bộ Tài chính đề xuất phạm vi công việc của đại lý bảo hiểm không bao gồm giới thiệu tuyển dụng, đào tạo hoặc quản lý đại lý bảo hiểm. Từ đó, không chấp nhận các chi phí phát sinh cho các hoạt động tuyển dụng, đào tạo và quản lý đại lý bảo hiểm.
Việc Bộ Tài chính đột ngột đổi sang cách áp dụng và giải thích pháp luật một cách hạn chế khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn. Ảnh minh họa: st
Việc Bộ Tài chính đột ngột đổi sang cách áp dụng và giải thích pháp luật một cách hạn chế khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn. Ảnh minh họa: st

Đó là phản ánh trong văn bản kiến nghị vừa được Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2019 (VBF 2019) gửi đến Bộ Tài chính về việc khấu trừ các chi phí liên quan đến đại lý bảo hiểm.

Nhóm công tác dẫn quy định tại Điều 69 của Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, theo đó, các công ty bảo hiểm có thể phát sinh các chi phí được trừ sau đây liên quan đến đại lý, bao gồm: Chi hoa hồng bảo hiểm; chi quản lý đại lý bảo hiểm, bao gồm: chi đào tạo ban đầu và thi cấp chứng chỉ đại lý, chi đào tạo nâng cao kiến thức cho đại lý, chi tuyển dụng đại lý, chi khen thưởng đại lý và chi hỗ trợ đại lý; các khoản chi phí khác theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, theo phản ánh của Nhóm công tác, trong một số cuộc kiểm tra, thanh tra gần đây, Bộ Tài chính đã thay đổi quan điểm để áp dụng hồi tố theo cách giải thích luật mới và hẹp hơn.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất phạm vi công việc của đại lý bảo hiểm không bao gồm giới thiệu tuyển dụng, đào tạo hoặc quản lý đại lý, theo đó, bác bỏ, không chấp nhận các chi phí phát sinh cho các hoạt động tuyển dụng, đào tạo và quản lý đại lý được thực hiện thông qua các đại lý. Ngoài ra, các chi phí khác ngoài chi phí được liệt kê cụ thể theo Điều 69 sẽ không được chấp nhận dù Điều 69 có quy định về "các chi phí khác".

Theo đánh giá của Nhóm công tác, việc Bộ Tài chính đột ngột đổi sang cách áp dụng và giải thích pháp luật một cách hạn chế khiến các công ty bảo hiểm nhân thọ gặp khó khăn nghiêm trọng.

Do đó, Nhóm công tác khuyến nghị Bộ Tài chính và cơ quan thuế nên có một cái nhìn rộng hơn đối với các mô hình hoạt động đại lý của các công ty bảo hiểm nhân thọ; chấp nhận các chi phí đại lý, chi phí liên quan khác là hợp lệ và cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ của ngành kinh doanh bảo hiểm.

Để tránh những thay đổi đột ngột, tiềm ẩn trong việc giải thích và áp dụng pháp luật không nhất quán, Bộ Tài chính nên có cách tiếp cận thận trọng hơn khi xem xét tất cả ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm và bên liên quan.

 “Việc áp dụng các thay đổi nên được thông báo trước và cho các doanh nghiệp trong ngành một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp để tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh một cách phù hợp”, kiến nghị của Nhóm công tác nêu rõ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về nội dung kiến nghị này, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị này và đang xem xét để có phản hồi với doanh nghiệp trong thời gian tới. “Nội dung này liên quan đến chi phí được trừ và không được trừ trong hạch toán doanh thu và chi phí của doanh nghiệp, đồng thời, có liên quan đến hoạt động của cơ quan thanh tra. Do đó, chúng tôi cần sự phối hợp của các bên để có thể trả lời thoả đáng cho doanh nghiệp”, ông Huyền nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư