Không đợi lúc giàu mới lo làm kinh tế xanh

(BĐT) - Tăng trưởng kinh tế hài hòa với lợi ích xã hội và môi trường là xu thế tất yếu để hướng tới sự phát triển bền vững. Trong đó, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xác định là giải pháp tối ưu để Việt Nam đạt được mục tiêu “tăng trưởng xanh”. Tuy nhiên, để các mô hình KTTH “cất cánh”, cần phải có một hệ sinh thái hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp (DN).
Ảnh: Lê Tiên
Ảnh: Lê Tiên

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận định như vậy khi chia sẻ về niềm mong mỏi của cộng đồng DN trong năm mới 2020 và xa hơn.

Việt Nam đang vượt lên trong “cuộc đua xanh”

Dự báo đến năm 2060, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu toàn cầu sẽ tăng gấp đôi và lượng phát thải nhà kính hàng năm sẽ tăng từ 40GT lên tới 75GT. Với mô hình kinh tế tuyến tính (khái niệm chỉ mô hình kinh tế truyền thống), nền kinh tế vận hành dẫn đến gia tăng chất thải, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, trong khi tài nguyên dần cạn kiệt.

Trong khi đó, theo ước tính, việc áp dụng mô hình KTTH có thể giúp thế giới tiết kiệm 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, riêng khu vực châu Âu có thể tạo ra giá trị kinh tế lên đến 1,8 triệu EUR. Mô hình này cùng lúc giải quyết được 2 vấn đề, vừa tối ưu hóa được nguyên liệu đầu vào, ứng phó với sự cạn kiệt và khan hiếm của tài nguyên, giảm phát thải ra môi trường ở đầu ra, vừa tăng trưởng kinh tế.

Điều này đòi hỏi nhiều quốc gia trên thế giới phải có sự chuyển đổi nhanh chóng từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH để giành chiến thắng trong cuộc đua tăng trưởng xanh.

Nhận thức được tầm quan trọng này và để thúc đẩy phát triển mô hình KTTH tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để ban hành Chương trình quốc gia về phát triển bền vững (PTBV), thành lập Hội đồng quốc gia về PTBV. Các mục tiêu PTBV được lồng ghép, tích hợp trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía cộng đồng DN, từ năm 2016, VCCI đã khởi xướng một số chương trình hỗ trợ cộng đồng DN, triển khai nền KTTH như Dự án “Zero Waste to Nature” (Không xả thải vào thiên nhiên); Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án Phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam…

Hiện nay, Việt Nam xuất hiện nhiều mô hình KTTH như mô hình khu công nghiệp sinh thái (Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng...), mô hình kinh tế sinh thái, mô hình sản xuất sạch hơn. Một số sáng kiến tuần hoàn của DN được ghi nhận như: tái sử dụng bã bia, vỏ trấu (Heineken...); tái sử dụng bao bì nhựa dẻo thay thế nhựa đường để làm đường giao thông (Dow); thu gom, tái chế, tái sử dụng bao bì nhựa, bao bì đóng gói (Unilever, Pro-Vietnam...)... Trong ngành dệt may, một số DN tái sử dụng những mảnh vải vụn thành vải mới và các sản phẩm quần áo...

Với những nỗ lực đó, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh” để lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về PTBV và chỉ thua Thái Lan trong ASEAN. Năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 và tiến lên vị trí 54 trong bảng xếp hạng đánh giá của Liên hợp quốc về tốc độ thực hiện mục tiêu PTBV, đứng thứ hai khu vực ASEAN (Thái Lan đứng đầu, vị trí 40). 

Nỗ lực chưa đủ

Mặc dù vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, các sáng kiến về KTTH mới chỉ tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia với chiến lược toàn cầu. Các DN trong nước mới chỉ dừng lại ở những hình thức sơ khai như tái sử dụng (mô hình VAC), tái chế chất thải (làng nghề tái chế)...

Trong khi đó, Việt Nam đang từng ngày phải đối mặt với nhiều áp lực, thách thức về môi trường, tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu.

Với tốc độ đẩy rác thải nhựa (bao gồm cả túi nilon dùng 1 lần) ra môi trường hơn 8 triệu tấn/năm, Việt Nam nằm trong top 4 của các quốc gia châu Á về mức độ xả rác thải nhựa cao nhất. Ngân hàng Thế giới ước tính, ô nhiễm không khí khiến Việt Nam mất đi 5,18% GDP năm 2013 và ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại 3,5% GDP vào năm 2035.

Theo dự báo, lượng rác thải của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong khoảng 15 năm tới. Việt Nam còn là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế rác thải của Việt Nam chỉ đạt dưới 10% tổng lượng chất thải, còn lại đang được chôn lấp trực tiếp tại các bãi rác hoặc xả ra biển.

Điều này ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế của Việt Nam, đòi hỏi cả Chính phủ và khu vực tư nhân có nhiều cải thiện mạnh mẽ hơn nữa trong việc thay đổi thói quen sản xuất và tiêu dùng, để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. 

Làm gì để kinh tế tuần hoàn “cất cánh”?

Để đưa mô hình KTTH vào áp dụng rộng rãi trong cộng đồng DN, đại diện VCCI nhấn mạnh, trước tiên Chính phủ phải rà soát lại các quy định, hoàn thiện khung khổ pháp lý về KTTH và tiến tới xây dựng một luật về phát triển KTTH. Trên thế giới, tính đến cuối năm 2018, đã có 34 quốc gia có bước tiến đầu tiên về luật pháp và chính sách thúc đẩy KTTH. Do đó, Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa.

Thứ hai, muốn phát triển KTTH, thì DN phải hiểu đúng và đủ về mô hình này. KTTH không phải là xử lý chất thải, mà ngược lại coi chất thải là tài nguyên bị đặt nhầm chỗ, hoặc bị đánh giá chưa đúng giá trị. Không chỉ là tuần hoàn vật liệu, mà KTTH còn giảm sử dụng các vật liệu khó tái chế. Thực tế có rất nhiều mô hình khác nhau, phong phú và đa dạng, chứ không phải rập khuôn một mô hình đồng nhất cho cả nền kinh tế. Do đó, đòi hỏi phải có những ý tưởng sáng tạo kết hợp với nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ ba, để phát triển KTTH, DN là động lực trung tâm. Nhà nước đóng vai trò là DN (thông qua DN quốc doanh), người mua sắm (thông qua chi tiêu công), nhưng quan trọng hơn là vai trò kiến tạo, quản lý sự tham gia của DN và người tiêu dùng.

Thứ tư, Chính phủ cần có chính sách để hỗ trợ phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp.

Và cuối cùng, “phát triển KTTH ngày càng trở thành xu thế tất yếu, không loại trừ một ai, DN quy mô lớn hay nhỏ, nhất là những DN nằm trong chuỗi giá trị cung ứng. Đừng đợi đến lúc giàu, mới lo làm kinh tế xanh”, ông Lộc đặc biệt nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư