Chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế 3 tháng đầu năm tăng tới 35,32% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Trần Sơn |
CPI tháng 3/2018 theo công bố giảm 0,27% so với tháng trước đó, tuy nhiên CPI 3 tháng đầu năm lại tăng tới 2,82%. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến CPI quý I tăng?
CPI của tháng 3/2018 không tăng như 2 tháng đầu năm mà giảm 0,27% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguyên nhân tăng CPI trong quý I là do nhu cầu gia tăng tiêu dùng trong dịp Tết và lễ hội đầu năm, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới tăng trở lại như nhiên liệu, chất đốt, sắt thép... gây áp lực lên mặt bằng giá trong nước; giá dịch vụ giáo dục tăng 7,38%, giá điện sinh hoạt tăng 6,08%, mức lương tối thiểu vùng tăng 6,5% làm tăng giá một số loại dịch vụ từ 2 - 8% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định khung tối đa giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kéo theo chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế 3 tháng đầu năm tăng tới 35,32% so với cùng kỳ năm trước.
Dự báo từ nay tới cuối năm sẽ xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá. Đó là 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám, chữa bệnh đối với người không có thẻ BHYT (dự kiến tác động vào CPI khoảng 0,07%); dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%).
Bên cạnh đó là giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi, giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm có xu hướng tăng… cũng sẽ làm tăng CPI.
Tuy nhiên, CPI cả năm 2018 vẫn có thể được kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra với mức tăng từ 3,41% - 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4%).
Nguyên nhân là do yếu tố giá hàng hóa thế giới sẽ không gây nhiều áp lực lên lạm phát do dự báo giá hàng hóa thế giới các tháng còn lại của năm 2018 sẽ ít biến động so với các tháng trước và giá dầu bình quân dự báo chỉ tăng nhẹ. Tác động của yếu tố tỷ giá đến lạm phát cũng sẽ không quá lớn (ước tính nếu tỷ giá USD/VND tăng 1% sẽ làm lạm phát taăng thêm 0,17 điểm %).
Ngoài ra, tác động trễ của yếu tố tiền tệ đến lạm phát, từ năm 2017 và quý I/2018 sang 9 tháng còn lại của năm cũng không đáng kể do tốc độ vòng quay tiền tệ đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Như vậy, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương với mức tăng của năm 2017 (dưới 4%).
Sẽ có những giải pháp nào được thực hiện để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2018, thưa ông?
Ðịnh hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính. Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; giám sát kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá… Một số mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá sẽ điều chỉnh cho phù hợp, theo từng thời điểm, tránh hiện tượng tăng giá ồ ạt, dẫn đến phản ứng dây chuyền.
Ðối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này ảnh hưởng đến CPI chung.