Khơi thông thị trường vốn, cần sự nỗ lực đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ, gần đây, ông nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi làm cách nào để đòi lại được tiền đầu tư trái phiếu, trong đó có hai vợ chồng một người bạn đã đầu tư tới 1.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Theo thống kê, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 215.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Theo thống kê, các doanh nghiệp bất động sản đã phát hành 215.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và 52.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Dòng tiền đầu tư từng chảy “điên cuồng” vào thị trường như thế, nên TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không cách gì giải quyết nhanh được. Các bên cần cố gắng “nhìn vào những gì có thể” và tìm cách xử lý từ từ…

Muốn khơi thông, tất cả phải lùi lại

“Nhìn vào những gì có thể”, như TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ ra, đó là nhìn vào sự nỗ lực của Chính phủ, của một số bộ, ngành và các DN trong việc giải quyết vướng mắc trên thị trường tài chính, nhất là khoản nợ đọng hàng trăm nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản (BĐS) hiện nay. Theo thống kê, các DN BĐS đã phát hành 215.000 tỷ đồng TPDN năm 2021 và 52.000 tỷ đồng TPDN năm 2022. Lãi suất trung bình theo giấy tờ là 10,35%/năm, nhưng trên thực tế có thể cao hơn nhiều mức này. Các trái phiếu đã phát hành, nay đến hạn trả lãi và gốc. Trong 2 năm 2023 - 2024, mỗi năm, DN phải trả khoảng 115 nghìn tỷ đồng, chưa tính tiền lãi.

Bối cảnh khó khăn đang bao trùm toàn cầu, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi sâu về điểm số và thanh khoản. Từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ có 3 DN huy động được vốn bằng trái phiếu là Massan, Bất động sản Kim Sơn và Công ty CP Đầu tư Phan Vũ. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Nghị định 08/2023/NĐ-CP (về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế) đang mở một “cơ hội quý báu” cho các DN mắc nợ trái phiếu. Đó là cho DN đàm phán với các trái chủ, giãn nợ tới 2 năm. Nếu giãn được nợ, tương đương với việc DN phát hành thành công trái phiếu mới để đảo nợ, với lãi suất như cũ. Cơ hội quý là bởi, nếu có phát hành được trái phiếu mới lúc này, DN cũng sẽ phải trả chi phí vốn với giá gấp đôi.

Quan trọng hơn, Nghị định 08/2023/NĐ-CP ra đời giúp nhà đầu tư, DN cảm thấy Chính phủ đang bên cạnh mình, đồng hành, quan tâm và cùng gỡ khó cho thị trường BĐS. Sự quan tâm và mở hướng xử lý của Chính phủ, như ông Nghĩa nói, tạo sự yên tâm cho nhiều chủ thể, ít nhất là họ nhẹ nỗi lo chấp chới bên ranh giới vi phạm pháp luật khi nghĩa vụ nợ đã đến hoặc đến rất gần.

Nhưng làm thế nào để DN mắc nợ và trái chủ đàm phán được với nhau khi thực tế bên nào cũng muốn thu về quyền lợi tốt nhất? Nhiều DN đưa ra phương án chỉ đổi trái phiếu lấy 50% giá trị BĐS (như Egroup), 50% còn lại trái chủ phải bỏ thêm tiền vào. Nhiều DN khác muốn giữ định giá BĐS ở mức cao, khiến nhà đầu tư khó chấp nhận hoán đổi. Về phía nhà đầu tư, sau hào hứng ban đầu, ngày càng nhiều người bày tỏ lo ngại không muốn nhận BĐS khi dự án còn dang dở về xây dựng hoặc pháp lý… Hàng loạt khó khăn như thế, nếu không ngồi lại và tìm tiếng nói chung giữa các chủ thể thì cục nợ BĐS sẽ không thể nhẹ đi.

Khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ ra công chúng

Khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ ra công chúng

Trong góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, khối nợ rất lớn trên thị trường TPDN cộng với thị trường BĐS đóng băng khi các phân khúc sản phẩm lệch lạc trong một thời gian dài đã tạo thành một bài toán khó. “Vấn đề đã rõ, nếu càng để lâu, càng mất lớn, nhưng để gỡ vướng, để khơi thông, tất cả đều phải chấp nhận lùi lại, tìm tiếng nói chung”, ông Hải Nam nói.

Trong nỗ lực giải cứu thị trường BĐS, ông Nam chia sẻ, nhiều ý kiến nhất trí rằng, giải pháp triệt để chính là DN phải vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển các dự án khả thi và có hiệu quả kinh tế tốt. Tuy nhiên, nhiều DN hiện nay không thể làm được như thế, do đã phát triển quá đà, lệch lạc. Có DN đang có 50 dự án dở dang, có DN vay nợ trên 30 lần vốn chủ sở hữu… Khi phát triển quá khả năng quản trị, quản lý, DN rơi vào đứt gãy thanh khoản là chuyện dễ hiểu. Những điểm yếu này, DN phải nhận diện và chấp nhận lùi lại, chấp nhận cắt lỗ tài sản, cắt lỗ dự án mới mong nhẹ nợ mà đứng lên.

Về phía nhà đầu tư, ông Hải Nam chia sẻ, “bạn bè tôi, nhiều người vẫn nghĩ mua trái phiếu đến hạn là được lấy tiền về”. Mấy ai biết, 38% khối lượng trái phiếu BĐS phát hành trong năm 2022 là không có tài sản bảo đảm; gần 72% DN phát hành không niêm yết, không công bố thông tin minh bạch… Bối cảnh như vậy, không có vụ bung vỡ 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh thì sẽ có những vụ nhiều nghìn tỷ đồng của DN khác. Đối mặt với khó khăn, nhiều DN đồng loạt tuyên bố không trả được nợ và gốc trong đó có những tên tuổi lớn như Novaland, Đất xanh miền Nam, Hải Phát, Đầu tư LDG, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Danh Khôi… Nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng, nhưng không thể rút ngay tiền về được. Phương án khả thi nhất là cùng chấp nhận lùi một chút, đàm phán tìm một hướng ra phù hợp cho các bên.

Trong 2 năm 2023 - 2024, mỗi năm, doanh nghiệp bất động sản phải trả khoảng 115 nghìn tỷ đồng phiếu doanh nghiệp đáo hạn, chưa tính tiền lãi. Ảnh: Tiên Giang

Trong 2 năm 2023 - 2024, mỗi năm, doanh nghiệp bất động sản phải trả khoảng 115 nghìn tỷ đồng phiếu doanh nghiệp đáo hạn, chưa tính tiền lãi. Ảnh: Tiên Giang

Muốn có vốn mới, phải nâng hạng thị trường

Cũng trong mối quan tâm làm thế nào để khơi thông thị trường vốn, tại hội thảo do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, ông vừa tiếp 2 quỹ đầu tư lớn của Mỹ. Gặp ông, họ hỏi ngay rằng, Việt Nam có nâng hạng thị trường vốn không? Câu hỏi này khiến ông Lực khó trả lời, bởi thực tế, Chính phủ đã đặt ra mốc nâng hạng vào năm 2025, nhưng dường như đang thiếu các nỗ lực tổng thể để hiện thực hóa.

Như ông Lực chia sẻ, nếu được nâng hạng, Việt Nam có cơ hội đón thêm dòng vốn mới đổ vào thị trường, ít nhất là gấp 5 - 7 lần vốn đầu tư gián tiếp hiện nay. “Rõ ràng, đây là cơ hội đáng để chúng ta phấn đấu”, ông Lực nói và chỉ ra, cái khó là Việt Nam mới đạt được 9/17 tiêu chí nâng hạng. Trong 8 tiêu chí chưa đạt, có ít nhất 2 tiêu chí không nằm trong thẩm quyền xử lý của Bộ Tài chính. 2 tiêu chí này là tự do hóa thị trường ngoại hối và cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng như nhà đầu tư trong nước khi mua chứng khoán tại Việt Nam.

Liên quan đến tiến trình nâng hạng, nhiều năm nay, ngành chứng khoán luôn tìm kiếm giải pháp để “tiến lên từng bước”, nhưng quyền chấm điểm nâng hạng lại phụ thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư quốc tế. Chỉ khi Việt Nam đạt đủ 17 tiêu chí và được tổ chức đánh giá xếp hạng (MSCI hoặc FTSE) lấy được ý kiến đồng thuận của các nhà đầu tư, thì câu chuyện nâng hạng mới thành hiện thực. Quốc gia được nâng hạng thị trường gần nhất là Kuwait, đã phải mất 5 năm rưỡi chuẩn bị trong điều kiện mọi việc đều được xử lý nhanh chóng, mới đạt đến kết quả. Với Việt Nam, nếu không sớm có Đề án nâng hạng thị trường chứng khoán, không có sự vào cuộc của các bộ, nhất là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, cái hẹn nâng hạng năm 2025 sẽ rất khó và câu chuyện gọi vốn mới từ quốc tế sẽ tiếp tục xa xôi...

Chuyên đề